Ngành sản xuất thép trong nước vẫn loay hoay

Năm 2009 nhu cầu tiêu thụ thép ở Việt Nam ước đạt 4 triệu tấn, nhưng công suất của toàn ngành lên tới 7 triệu tấn/năm. Cung luôn vượt cầu, thêm nguy cơ thép giá rẻ từ các nước ASEAN tràn vào, nhưng các nhà sản xuất vì nhiều lý do khác nhau vẫn không ngừng tăng giá bán.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Chính phủ luôn khuyến khích các doanh nghiệp (DN) trong nước tự nâng cao năng lực sản xuất phôi thép. Công suất sản xuất phôi của toàn ngành Thép đã đạt 4,5 đến 4,7 triệu tấn trong năm 2009, vượt trên đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, 70% nguyên liệu sản xuất phôi (thép phế liệu) lại đến từ nguồn nhập khẩu. Ngành Thép luôn gặp khó khăn do sự đầu tư thiếu bền vững (ảnh minh họa). Riêng thép thành phẩm, các DN đã đáp ứng được 100% nhu cầu về thép xây dựng cacbon thông thường, thép tấm, thép lá cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ Zn, sơn phủ mầu… Hiện chỉ còn thép tấm cán nóng, thép chế tạo cơ khí và một số sản phẩm đặc biệt khác là nằm ngoài "vùng phủ sóng" của DN trong nước. Thế nhưng, trong Công văn 993/NHNT-QLKV (ngày 2/7/2009 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam) và Công văn 3901/CV-KDV2 (ngày 9/7/2009 của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam), thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, lại chỉ ưu tiên cung ứng ngoại tệ cho DN mua phôi thép cũng như thép thành phẩm chung chung mà chưa có sự phân biệt rạch ròi từng loại hình riêng. Trong khi, VSA cho rằng, các ngân hàng thương mại chỉ nên phân bổ ngoại tệ cho DN có nhu cầu nhập những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được nhằm khuyến khích tiêu dùng hàng "nội". Ông Nguyễn Tiến Nghi nhấn mạnh: Nếu quy định thép "thành phẩm" một cách thuần túy, DN có thể "vô tư" nhập cả những loại sản phẩm mà DN trong nước đã sản xuất đủ với đòi hỏi của thị trường. Không có ngoại tệ nhập thép phế liệu để sản xuất phôi, cán thép, DN sẽ phải quay ra nhập phôi thép, như thế sẽ trái với những khuyến khích của Chính phủ. Vô hình trung, sẽ dẫn tới kích cầu "hàng ngoại", có lợi cho sản xuất của nước ngoài mà chưa giúp ích hữu hiệu cho DN trong nước. Ông Nguyễn Tiến Nghi băn khoăn: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như thiếu ngoại tệ gây ra những khó khăn trước mắt, ngành Thép còn tự làm khó cho chính mình khi vẫn liên tục sử dụng công nghệ lạc hậu, thậm chí rất lạc hậu. Khoảng 30% các nhà máy thép đang sử dụng công nghệ rất lạc hậu, chừng 40-50% có công nghệ trung bình. Chỉ còn lại 10-20% các nhà máy là được đầu tư dây chuyền công nghệ mới, tiên tiến. Ông Nghi cho biết, nhiều dây chuyền công nghệ cũ, một số nước, kể cả những quốc gia láng giềng với Việt Nam hiện không dùng, nhưng DN nước mình lại nhập về. Ông Nghi bày tỏ, sản xuất trên dây chuyền công nghệ cũ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành Thép. Quan trọng hơn, đất nước sẽ chịu hậu quả lớn từ ô nhiễm môi trường và tổn thất năng lượng do các dây chuyền công nghệ cũ gây ra. Rồi cuối cùng, chính ngành Thép phải lãnh chịu hậu quả của quá trình đầu tư "ăn xổi", thiếu ổn định và thiếu chiều sâu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2009/7/117042.cand