Ngành phim ảnh ở Anh đang thay đổi

Ngành làm phim ở Anh phát triển mạnh khi 'Sex Education', 'Bridgerton' cùng nhiều dự án lớn đã và đang được nhà đầu tư rót vốn sản xuất tại quốc gia này.

Đầu những năm 1980, ngành phim ảnh Anh quốc rơi vào tình trạng suy thoái do nguồn tài trợ của Mỹ cạn kiệt theo quy định thuế mới. Các hãng dần chuyển hướng làm phim truyền hình, tuy nhiên, hiếm dự án nào được quay ở Anh.

Giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh Anh, ông Adrian Wootton, nhớ lại: "Ngành công nghiệp điện ảnh Anh khi đó chạm đáy. Hầu hết nhà sản xuất đã sang Mỹ tìm cơ hội. Những đám mây mù phủ màu xám xịt lên các studio của chúng tôi".

Tuy nhiên, bốn thập kỷ trôi qua, mọi thứ đã khác. Gary Goetzman - nhà đồng sáng lập công ty Playtone, người đã dành 8 tháng ở xứ sương mù để quay loạt phim Masters of the Air - nhấn mạnh: "Tôi không thể nhận ra khung cảnh hoang tàn năm nào. Vương quốc Anh hiện là kinh đô điện ảnh của thế giới".

Dù phải đối mặt với Brexit và đại dịch Covid-19, quốc gia châu Âu vẫn phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh và truyền hình. Báo cáo của Variety cho biết ba tháng cuối năm 2020, có 1,19 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) được rót vào việc làm phim. Con số này sẽ còn cao ngất ngưởng đến hết năm nay.

"Đây là điều chưa từng có. Tôi không tin rằng trong 25 năm làm nghề sẽ có ngày chứng kiến sự thịnh vượng của thị trường phim ảnh nước Anh", Olly Money - Giám đốc điều hành công ty chuyên về hiệu ứng Double Neagtive - phát biểu.

Tiềm năng phát triển ngành phim ảnh ở Anh

Theo Variety, có nhiều lý do khiến ngành phim ở Anh bùng nổ, cốt yếu là do chính phủ đã cung cấp khoản tín dụng thuế phim điện ảnh và truyền hình sau khi series Harry Potter khởi chiếu ở Hertfordshire, cũng như sự xuất hiện của Game of Thrones tại Bắc Ireland.

Ông Adrian Wootton nói rằng dòng tiền khổng lồ xuất hiện tạo điều kiện cho các xưởng phim thuê nhân lực trở lại Anh làm việc, những đối tác Mỹ cũng đổ sang đây. Loạt dự án lớn như Guardians of the Galaxy, The Mummy, Mary Poppins Justice League đều được ghi hình ở Anh.

Trong năm qua, Bắc Ireland đón tiếp đoàn làm phim Dungeons & Dragons, xứ Wales có ê-kíp Doctor WhoHis Dark Materials đến ghi hình, và Bristol chào đón The Last Bus, Becoming ElizabethThe Outlaws.

Năm tới, phim truyền hình The Lord of the Rings 2 sẽ được dời điểm quay từ New Zealand sang Berkshire, Bovingdon Airfield và Hertfordshire của Vương quốc Anh. Đây được xem là lợi ích kinh tế lớn cho nền kinh tế nước Anh.

Phần 2 của phim truyền hình The Lord of the Rings (Chúa Nhẫn 2) sẽ được quay tại Anh vào năm 2022, thay vì New Zealand như tuyên bố trước đó. Ảnh: Game Rant.

Tình hình đồng bảng Anh xuống giá do cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 và việc sản xuất nội dung ở Anh hiện rất hấp dẫn về mặt tài chính. Đơn cử như phim truyền hình ăn khách Friday Night Dinner, dù được giới thiệu là "loạt phim Mỹ với xe hơi Mỹ, phim trường Mỹ, nhà ở Mỹ, nội thất kiểu Mỹ" cuối cùng lại được chuyển sang quay ở Anh với tên mới Dinner With the Parents.

Anh còn thu hút nhà làm phim Mỹ ở nền văn hóa, kiến trúc và ngôn ngữ chung, cũng như những ưu đãi thiết thực khiến quốc gia này trở thành điểm đến không thể tiềm năng hơn.

Jeff LaPlante, CEO của Universal Pictures, nói: "Đội ngũ nhân viên ở đó rất tài năng, việc thuê nhân viên địa phương cũng dễ dàng hơn nhiều so với Mỹ. Nước Anh có các ưu đãi thuế và khung cảnh thì đẹp tuyệt vời".

Các xưởng phim Anh quốc đang mở rộng quy mô, nhân viên không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, trong khi các nhà phân phối cũng đưa ra chiến lược phát hành phim bài bản và thông minh hơn.

Giám đốc sản xuất tác phẩm Band of Brothers, ông Gary Goetzman, chia sẻ về khác biệt trong quá trình quay phim hiện tại so với 20 năm trước: "Mọi người đều thông minh và trang bị đầy đủ kiến thức về những gì cần thiết để tạo nên một tác phẩm chỉn chu".

Những con số thực tế

"Thâm nhập" vào Anh với phim truyền hình The Crown (2016), Netflix ngày càng khẳng định được vị thế. Trụ sở chính của gã khổng lồ phát trực tuyến ở London được mở rộng hơn 100.000 m2, tuyển thêm 400 nhân viên và ký hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn ở Shepperton, Longcross Studios và gần đây nhất là Segro Park Enfield - nơi sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn thứ hai của Netflix bên ngoài Bắc Mỹ.

Netflix đã chi một tỷ USD quảng bá phim trên phương tiện truyền thông thời gian qua. Nhờ đó, Netflix Studios UK, nơi sản xuất BridgertonSex Education, đã đạt doanh thu 78,8 triệu bảng Anh, tăng 89% so với năm trước.

Regé-Jean Page và Phoebe Dynevor trong một cảnh phim Bridgerton được quay ở Anh. Ảnh: CNBC.

Sau thành công của phim truyền hình hài Ted Lasso, Apple TV+ tập trung sản xuất tại Anh với Masters of the Air, Slow HorsesThe Essex Serpent. Không đứng ngoài cuộc, Disney+ cũng công bố tác phẩm đầu tiên đã lên kịch bản quay ở đất nước này.

Amazon Prime Video - đối thủ cạnh tranh chính của Netflix - đã thực hiện 30 chương trình hợp tác sản xuất với các đối tác của Anh từ 2018 đến 2020, bao gồm cả đài truyền hình dịch vụ công cộng và 10 loạt phim gốc do Anh sản xuất. Hãng đã rót 2,3 tỷ bảng Anh vào Scotland và 1,5 tỷ bảng Anh vào xứ Wales từ năm 2010.

Đại diện Amazon Studios ở Anh, Dan Grabiner, nhận định thị trường Anh là "cực kỳ tiềm năng", nơi đã và đang thu hút những người tài năng đẳng cấp thế giới đến khám phá.

Mark Freeland - trưởng bộ phận hài kịch truyền hình ở Working Title Television, người đã điều hành sản xuất phần tiền truyện Dodger - quen với nhịp công việc ở Anh từ đầu năm nay. Ông cho hay thành phố Manchester đã trang bị đủ cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực cho quá trình quay phim. Đây là nơi từng thực hiện phần mới của Brassic, Peaky Blinders và nhiều tựa phim khác.

"Thành công của ngành làm phim ở Anh đang được viết lại", Freeland kết luận.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-phim-anh-o-anh-dang-thay-doi-post1279875.html