Ngành khách sạn châu Á - Thái Bình Dương: Đón cơ hội tăng trưởng mới

Các chủ sở hữu và nhà điều hành khách sạn đang đầu tư vào cơ sở vật chất mới, với hy vọng tận dụng được sự thay đổi trong hành vi du lịch, đang mang lại những cơ hội mới.

Khách sạn Marina Bay Sands tại Singapore. Ảnh minh họa: Wikipedia/TTXVN

Công ty tư vấn bất động sản JLL cho biết: “Khi ranh giới giữa công việc, cuộc sống và du lịch ngày càng mờ nhạt, các thương hiệu khách sạn truyền thống và nhà đầu tư được khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm sang những lĩnh vực khách sạn phi truyền thống”. Các lĩnh vực này bao gồm không gian khu dân cư có thương hiệu, cho thuê ngắn hạn, sắp xếp cuộc sống chung, câu lạc bộ thành viên tư nhân và những thị trường thích hợp khác.

Khối lượng đầu tư khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bị hạn chế trong năm nay, do chi phí vay leo thang, áp lực lạm phát và những bất ổn xuất phát từ môi trường địa chính trị biến động. Theo báo cáo “Những điểm nổi bật đầu tư khách sạn” của JLL, khối lượng đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 1 - 10/2023 đạt tổng cộng 5,92 tỷ USD. Đây là mức giảm 39,8% so với mức 9,83 tỷ USD đã được ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, xu hướng đó có thể đảo ngược, khi lĩnh vực khách sạn được thúc đẩy để thay đổi. Ông Ramzy Fenianos, Giám đốc phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn khách sạn Radisson cho hay, du khách “đang ngày càng tìm kiếm du lịch trải nghiệm khi lưu trú tại các khách sạn có đầy đủ dịch vụ”. Theo đó, Radisson đang cung cấp một “gói trải nghiệm địa phương” cho khách hàng, bao gồm vé sự kiện hoặc các hoạt động độc đáo.

Tại Tập đoàn khách sạn Accor, thị trường lưu trú dài ngày là yếu tố then chốt trong chiến lược tăng trưởng. Hiện nay, nhiều du khách lựa chọn những chuyến đi kéo dài, trong đó kết hợp công việc với giải trí và khám phá các điểm đến một cách trọn vẹn hơn. “Xu hướng đưa các thành viên gia đình đi cùng trong những chuyến đi này cũng ngày càng tăng”, ông Garth Simmons, Giám đốc Điều hành phân khúc cao cấp, trung bình và phổ thông khu vực châu Á của Accor nói thêm.

Đầu tư vào ngành khách sạn có khả năng sẽ được khuyến khích bởi những con số đang cải thiện. Hiệp hội Du lịch Doanh nhân Toàn cầu dự báo, chi tiêu trong các chuyến đi công tác ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2023 sẽ phục hồi ở mức 92% giá trị của năm 2019.

Trong đó, ông Ramzy Fenianos tin rằng, du lịch nội địa cũng sẽ tiếp tục là phân khúc “chủ yếu” đối với các khách sạn, nhất là ở Philippines và Việt Nam. Tập đoàn Radisson đã chọn Việt Nam, Thái Lan và Sri Lanka làm trọng tâm phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cực kỳ đa dạng, và các thị trường khác nhau đang phục hồi với tốc độ khác nhau”, ông Ramzy Fenianos nói thêm.

Về sức tăng trưởng trong năm 2024, ông Ramzy Fenianos lạc quan nhận định: “Nhu cầu từ các chủ sở hữu bất động sản vẫn mạnh mẽ, trong đó các khách sạn chứng tỏ là một trong những loại tài sản có khả năng phục hồi tốt nhất”.

Đồng quan điểm này, JLL cũng tin rằng, các khoản đầu tư vào khách sạn trong khu vực sẽ đón nhiều “cơn gió thuận” hơn là “cơn gió ngược” trong năm tới, khi vận tải hàng không phục hồi, giá phòng tăng, áp lực chi phí giảm bớt, và thị trường nợ dễ dự đoán hơn.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/nganh-khach-san-chau-a-thai-binh-duong-don-co-hoi-tang-truong-moi-136163.html