Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự

Theo các chuyên gia trong ngành, ngành hàng không toàn cầu thời hậu đại dịch vẫn không thiếu những thách thức, từ việc giữ giá vé máy bay ở mức phải chăng – nhất là trong các mùa lễ hội khi tỷ suất lợi nhuận 'mỏng như dao cạo', cho đến việc có đủ lực lượng lao động tận tâm với nghề.

Ngành hàng không thời hậu đại dịch tiếp tục đối mặt với tỷ suất lợi nhuận thấp và thiếu hụt nhân sự. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hàng không Changi đầu tuần này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke nhấn mạnh rằng vé máy bay giá cả phải chăng là một vấn đề “lớn” - đặc biệt đối với Malaysia, nơi 50% lưu lượng giao thông là đi lại trong nước.

Thực tế, trong cơ cấu chi phí đầu vào của giá vé máy bay, các yếu tố quan trọng như nhiên liệu, tỷ giá… đều biến động liên tục. Chi phí nhiên liệu hàng không chiếm một phần không nhỏ trong chi phí vận chuyển, do đó biến động giá nhiên liệu trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không.

Một số chính phủ - điển hình như Malaysia, gần đây đã bắt đầu áp dụng mức trần đối với giá vé máy bay cho các chuyến bay nội địa ngay trước mùa lễ hội, nhằm giúp người dân trở về quê hương bằng máy bay có giá cả phải chăng. Tuy nhiên, điều này sẽ làm xói mòn lợi nhuận vốn đã rất thấp của các hãng hàng không.

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh Hàng không Changi 2024, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh đã đề cập đến những thách thức mà nhiều hãng hàng không gặp phải do gián đoạn chuỗi cung ứng và sự cố động cơ bị lỗi.

Trong thời gian qua, nhiều hãng hàng không không thể cung cấp công suất cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách do thiếu phụ tùng thay thế gây ra bởi gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo IATA, một số lượng đáng kể máy bay dự kiến sẽ không thể cất cánh cho đến năm 2025.

Ngoài việc không đủ máy bay, ngành này còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Ngành hàng không cần khoảng 480.000 kỹ thuật viên để bảo trì máy bay và khoảng 350.000 phi công vào năm 2026, nhưng việc thu hút nhân tài vấp phải không ít khó khăn.

Đáng lưu ý, ngành này đã không thành công trong việc thuyết phục thêm nhiều phụ nữ tham gia với tư cách là kỹ thuật viên, kỹ sư hay phi công.

Ông Luis Felipe de Oliveira, Tổng Giám đốc của Hội đồng Sân bay Quốc tế Thế giới (ACI) cho biết ngành hàng không cần “tự động hóa nhiều nhất có thể” và tiếp tục đầu tư, đào tạo cho nhân viên.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Loke cho biết chính sách của nước này là đang tập trung nhiều hơn vào đào tạo kỹ thuật, ngay cả khi lĩnh vực này cũng gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân tài.

“Một trong những thách thức liên quan đến Singapore. Nhiều công nhân lành nghề của chúng tôi thích làm việc ở Singapore vì đồng tiền mạnh. Đó thực sự là một thách thức đối với chúng tôi trong việc giữ chân lực lượng lao động lành nghề ở lại trong nước”.

Ngoài ra, một báo cáo mới cho biết, có khoảng 300.000 chỗ ngồi mỗi tháng đang bị lãng phí trên khắp châu Á - Thái Bình Dương do các hãng hàng không không thể đảm bảo chỗ đỗ tại sân bay. Phản hồi về vấn đề này, Malaysia và Philippines cho biết họ không ưu tiên các hãng hàng không nội địa hoặc địa phương hơn các hãng khác trong việc phân bổ chỗ đỗ. Trong khi đó, một số hãng hàng không nói rằng, họ không nhận được chỗ tại sân bay vì các hãng hàng không quốc gia được ưu tiên để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Businesstimes)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/nganh-hang-khong-toan-cau-doi-mat-nhieu-thach-thuc-ve-gia-ve-va-nhan-su-138166.html