Ngành dệt may loay hoay gỡ nút thắt

Mặc dù ngành dệt may đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu xuống còn 29 tỷ USD nhưng các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành khó đạt con số trên và khó khăn sẽ còn tiếp diễn.

Gia công xuất khẩu hàng dệt may. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Lượng đơn hàng chỉ “đủ ăn” thậm chí “đói”; xuất khẩu giảm trong khi hàng loạt các chi phí đầu vào tăng lên, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu giảm… là những khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp dệt may. Mặc dù năm nay, ngành dệt may Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu xuống còn 29 tỷ USD thay vì 31 tỷ USD nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành cũng khó đạt con số trên và khó khăn sẽ còn tiếp diễn.

*Đơn hàng “ăn đong”

Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngoài những yếu tố khách quan tác động như nền kinh tế của một số nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn, sự kiện Brexit ở Anh thì một trong những khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách ổn đinh tỷ giá của đồng Việt Nam so với các đồng ngoại tệ khác đã khiến hàng hóa Việt Nam kém sức cạnh tranh so với các nước khác. Ngoài ra, lãi vay ngân hàng mặc dù đã giảm nhưng vẫn cao so với nhiều nước cũng khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, rất nhiều áp lực đè nặng lên ngành dệt may Việt Nam từ giá, thị trường, công nghệ quản trị đến năng suất lao động. Đồng thời, hàng dệt may phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước, cũng như sức ép về thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, chi phí lao động không ngừng tăng. Nhất là, tác động từ cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành dệt may. Những khó khăn này không chỉ đặt ra trong năm 2016 mà sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp với số đơn chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 21,11 tỷ USD, mặc dù tăng 6% so với cùng kỳ 2015 nhưng so với kế hoạch năm mới chỉ hoàn thành 68%.

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, mặc dù tổng doanh thu 9 tháng của May 10 đạt 96% kế hoạch đề ra, vẫn vượt 8% so với cùng kỳ 2015, nhưng năm nay là năm sau nhiều năm May 10 không đạt mức tăng trưởng hai con số. Khó khăn đầu tiên là lượng đơn đặt hàng từ các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm do các thị trường bán lẻ không tốt nên đều yêu cầu giảm giá hàng. Tính chung trong 9 tháng sản lượng hàng đã giảm từ 5 -10%, giá khách hàng yêu cầu cũng giảm từ 10 - 15%.

Thực hiện tăng lương tối thiểu cũng là khó khăn tiếp theo làm tăng chi phí đầu vào của May 10 trong 9 tháng qua và dự kiến cả năm 2016 thêm khoảng 100 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 80% là chi phí tăng dành cho người lao động. Việc tăng lương tối thiểu cũng kéo theo chi phí bảo hiểm cho công nhân, bảo hiểm hiểm thất nghiệp của đơn vị này tăng gần 20 tỷ đồng so với năm ngoái.

Ngoài ra, các phí vận chuyển, điện nước đều tăng, hay quy định giới hạn thời gian làm thêm giờ, trong khi đặc thù mùa vụ của ngành trong tháng 5-6 phải dồn việc… cũng là những khó khăn không nhỏ đối với ngành may mặc.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tại Thái Nguyên cho hay, mặc dù công ty đã áp dụng các hình thức tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ nhưng với mức tăng chi phí lao động, chi phí lãi vay ngân hàng và các chi phí khác thì sự cải tiến của doanh nghiệp không thể bù đắp được.

“Để kiếm được một đơn hàng vào thời điểm này chúng tôi phải cạnh tranh khốc liệt, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà với cả doanh nghiệp ở các nước khác” - ông Thời nói.

Ông Chu Hữu Dũng, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Hưng Yên cũng đánh giá, năm nay là một năm đầy khó khăn đối với ngành may mặc cả nước chứ không riêng may Hưng Yên. Tổng Công ty đã phải phát triển sang một số mặt hàng khác như áo lông vũ xuất đi Hàn Quốc. Tuy nhiên đây là mặt hàng mới chưa phải là thế mạnh của đơn vị.

"Một hạn chế nữa của doanh nghiệp Việt Nam là sức cạnh tranh đuối hơn so với các doanh nghiệp tại Campuchia, Bangladesh do họ có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như Mỹ, châu Âu nên được hưởng thuế suất thấp hơn. Bên cạnh đó, lương tối thiểu ở các nước như Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka cũng thấp hơn Việt Nam. Ngay cả Trung Quốc, trước bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp dệt may ngừng hoạt động, nước này cũng đã giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội từ 22% xuống còn 18% nên khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh" - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết.

* Gỡ nút thắt từ khâu khâu dệt, nhuộm

Trước những khó khăn đang đặt ra khiến ngành dệt may có khả năng không đạt mục tiêu kế hoạch cả năm, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình thị trường; chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống; khai thác, mở rộng thêm các thị trường ngách ở Trung cận Đông, châu Phi…. Đồng thời, tăng cường mở rộng thị trường nội địa với đa dạng hóa các mặt hàng, phù hợp thị hiếu và thu nhập của người dân ở vùng miền, có như vậy mới tận dụng tối đa sức mua của đất nước có đến 90 triệu dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, đã đến lúc ngành không chỉ chờ đợi vào những đơn hàng "ăn đong" hay những phương án tình thế mà phải chủ động tìm kiếm các giải pháp mang tính dài hơi để tạo bàn đạp cho ngành phát triển bền vững.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, dệt may Việt Nam tuy mạnh về khâu gia công xuất khẩu (cắt, may), nhưng lại rất yếu về khâu thượng nguồn (sợi, dệt, nhuộm…). Hiện có tới 99% lượng bông, gần 60% vải dệt thoi và trên 30% dệt vải ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu. Riêng ngành sợi trong nước đã có bước bứt phá vượt bậc. Cách đây 5 năm cả nước chỉ sản xuất khoảng 2,7 triệu cọc sợi các loại, nhưng đến năm 2016 dự kiến sản xuất trên 7 triệu cọc.

Ngành dệt may Việt Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp tập trung đầu tư cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bằng giải pháp thành lập mới các doanh nghiệp ở khâu thắt nút là sợi, dệt, nhuộm hoàn tất.

Việc Việt Nam kết thúc đàm phán FTA với EU, ký FTA với Hàn Quốc và ký Hiệp định TPP đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nếu giai đoạn 2000-2013, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may chỉ đạt 8,2 tỷ USD thì 2 năm sau đó (2014-2015), con số này đã tăng thêm 6 tỷ USD và dự báo trong 2-3 năm tới hàng loạt các nhà máy sẽ ra đời. Dự kiến, đến năm 2018-2020, doanh nghiệp trong nước sẽ đáp ứng khoảng 65-67% nhu cầu sợi chung trong nước.

Song, để đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may đòi hỏi các doanh nghiệp phải có trình độ về kỹ thuật cũng như tiềm lực mạnh về kinh tế. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phân tích, nếu như đầu tư vào công đoạn may chỉ cần từ 100 tỷ đồng là đã có một nhà máy, với khoảng 20 chuyền may, thu dụng cả nghìn lao động, thì đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm sẽ có nhu cầu vốn gấp nhiều lần. Nhưng, để có một nhà máy từ khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất quy mô ở mức trung bình, nhà đầu tư phải sử dụng số vốn lên đến cả nghìn tỉ đồng.

Để thu hút các doanh nghiệp đầu từ vào lĩnh vực này, theo ông Trương Văn Cẩm, Nhà nước và các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên tập trung phát triển vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm - hoàn tất tại các khu công nghiệp lớn từ 500 - 1.000 ha ở những vùng trọng điểm với kết cấu giao thông thuận lợi, nâng cấp hạ tầng tại các khu vực này… Ngoài ra, nhà nước cũng hỗ trợ các địa phương đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ. Đã có không ít dự án lớn trong lĩnh vực này đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nhưng gặp khó khăn hoặc thất bại do thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp mạnh trong nước cũng cần phối hợp triển khai một số dự án lớn tại các trung tâm dệt may của cả nước, hình thành chuỗi liên kết tại mỗi vùng, miền, tạo ra đối trọng trong khu vực giữa doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài về quan hệ lao động, thu nhập, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ với Nhà nước, địa phương, người lao động. Đặc biệt, cần chú trọng khâu chuyển giao công nghệ, lồng ghép chương trình đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ khi ký hợp đồng mua máy móc, thiết bị.

Về phía mình các doanh nghiệp dệt may cũng mong muốn Chính phủ quy hoạch lại ngành may cho phù hợp thực tế phát triển ngành và có những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực dệt sợi để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. Đồng thời, hạn chế không mở thêm các doanh nghiệp may mà phát triển các doanh nghiệp phụ trợ về dệt nhuộm./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nganh-det-may-loay-hoay-go-nut-that/28027.html