Ngành dệt may đa dạng hóa thị trường và mặt hàng

Mặc dù có dấu hiệu dần phục hồi nhưng chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào tăng đã khiến cho ngành dệt may tiếp tục phải đối mặt với thách thức trong năm 2024. Chính vì vậy, nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu lớn, khai thác thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm vẫn tiếp tục là giải pháp cho xuất khẩu may mặc trong thời gian tới.

Trong khi các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều sụt giảm mạnh, thì Công ty May 10 đã liên tục có những giải pháp xoay chuyển ứng phó với tình hình. Đa dạng sản phẩm, chấp nhận đơn hàng từ khó đến nhỏ nhỏ từ các đối tác mới và điều cực kỳ quan trọng là khai thác các thị trường xưa nay chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ về xuất khẩu hàng may mặc là cách đã giúp công ty vượt qua khó khăn.

Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây chính là bài học, giải pháp tháo gỡ nút thắt cho năm 2024.

Thời gian tới, ngành dệt may không chỉ đối mặt với khó khăn về đơn hàng, mà cùng với đó là các yêu cầu kỹ thuật chất lượng của sản phẩm từ các nhà nhập khẩu. Chính vì thế, tư duy sản xuất của các doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 40,3 tỷ USD. Kết quả này là sự nỗ lực đa dạng hóa khách hàng, thị trường và mặt hàng. Đây chính là bước tiến cho việc dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn. Những thị trường trước đây không nhập khẩu dệt may Việt Nam thì nay đã nhập, như thị trường châu Phi, Nga, thị trường Đạo hồi… Điều này càng khẳng định vị thế của dệt may Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nganh-det-may-da-dang-hoa-thi-truong-va-mat-hang-211444.htm