Ngành Công thương nỗ lực vượt thách thức

BHG - Năm vừa qua, ngành Công thương đã sớm nhận diện những khó khăn, thách thức; chủ động, sáng tạo, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo động lực phát triển cho năm mới 2024.

Nhìn lại năm 2023, ngành Công thương của tỉnh phải chịu nhiều thách thức do kinh tế phục hồi chậm, trong đó khó khăn tác động trực tiếp nhất phải kể đến việc sản xuất công nghiệp bị suy giảm mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2023 ước giảm 17,22% so với năm 2022 và không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng giảm 52,81%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 21,63%; sản xuất, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,71%.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động từ những ngày đầu năm 2024. Ảnh: Nguyễn Phương

Nguyên nhân do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, giá kim loại giảm dẫn đến sản xuất không hiệu quả nên một số mỏ đang hoạt động cắt giảm công suất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Một số mỏ mới được gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản, do vậy cần thời gian để hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Hoạt động sản xuất điện bị hạn chế do trong năm 2023 thời tiết khô hạn kéo dài nên các nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện thương mại phải giảm công suất so với công suất thiết kế, sản lượng điện tụt giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, ngành Công thương đã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao bằng các giải pháp đồng bộ, linh hoạt. Một số kết quả nổi bật năm 2023 có thể kể đến là: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có mức tăng ấn tượng, năm 2023 ước đạt 16.831,51 tỷ đồng, tăng 17,33% so với năm 2022, vượt 7,33% so với kế hoạch. Hoạt động xuất, nhập khẩu có sự phục hồi mạnh mẽ, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu ước thực hiện cả năm 2023 đạt 281,235 triệu USD, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Cặp Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy – Thiên Bảo và các cặp cửa khẩu song phương Xín Mần - Đô Long, Săm Pun - Điền Bồng, Phó Bảng – Đổng Cán đã chính thức khôi phục hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư thương xuất, nhập khẩu hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng.

Các doanh nghiệp tại Cụm Công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) đẩy mạnh sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: CTV

Bước sang năm 2024 - năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức; ngành Công thương đặt mục tiêu phấn đấu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 18%; tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 308 triệu USD. Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh, ngay từ đầu năm, ngành đã tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2024. Xây dựng kế hoạch của ngành để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao.

Trong đó, tập trung phục hồi sản xuất đối với các khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông - lâm sản và thủy điện. Tập trung triển khai các đề án khuyến công, sản xuất và tiêu dùng bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp/cơ sở công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất; cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối cung cầu, tham gia hội chợ nhằm quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tham mưu UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ. Chú trọng phát triển hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Cùng với các giải pháp phục hồi sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, ngành cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục hoạt động xuất, nhập khẩu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động thương mại biên giới. Tăng cường hội đàm với phía Trung Quốc để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và mở lại các cặp chợ biên giới để phục vụ hoạt động trao đổi thương mại biên giới. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả hệ thống thông tin thương mại cảnh báo sớm, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường nhập khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức, duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng KT-XH của tỉnh” – Giám đốc Sở Công thương, Triệu Tài Phong cho biết.

YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/cong-thuong-ha-giang/202402/nganh-cong-thuong-no-luc-vuot-thach-thuc-66c2959/