Ngành bán lẻ Mỹ chật vật đối phó với nạn trộm cắp

Hiệp hội các nhà bán lẻ tại Mỹ cho biết họ đang phải vật lộn để ngăn chặn sự gia tăng tội phạm trong cửa hàng - từ ăn cắp vặt đến các vụ trộm có tổ chức với quy mô lớn nhằm khoắng sạch toàn bộ hàng hóa.

Vấn nạn nhức nhối

Trộm cắp trong lĩnh vực bán lẻ là hiện trạng nhức nhối và gây ra nhiều vấn đề lớn cho doanh nghiệp tại Mỹ. Nhưng do các công ty không bắt buộc phải báo cáo dữ liệu về mức độ ảnh hưởng nên thật khó để xác minh hàng hóa bị đánh cắp ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ đến mức nào.

Dù vậy, tình hình lúc này dường như đã đến mức đáng báo động, khiến các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Mỹ phải lên tiếng, và trong nhiều trường hợp, bắt đầu có những hành động quyết liệt. Tuần trước, đại diện của Target - nhà bán lẻ lớn thứ bảy tại Mỹ - nói với kênh truyền hình CNBC rằng họ lo ngại sẽ mất khoảng nửa tỷ USD năm nay vì nạn trộm cắp trong các cửa hàng của mình.

Target - nhà bán lẻ lớn thứ bảy tại Mỹ - lo ngại sẽ mất nửa tỷ USD vì nạn trộm cắp trong năm nay. Ảnh: NY Post.

Nordstrom, Whole Foods và một số chuỗi bán lẻ lớn khác cũng cho biết, họ đang từ bỏ một số địa bàn kinh doanh, chẳng hạn như San Francisco, vì điều kiện kinh tế thay đổi hoặc vấn đề an toàn của nhân viên. Ở cấp độ thấp hơn, nhiều nhà bán lẻ nhỏ cũng đóng cửa nhiều siêu thị của mình với lý do nạn trộm cắp gia tăng.

Tiến sĩ Read Hayes, nhà Tội phạm học tại Đại học Florida (Mỹ) và là giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Phòng chống mất cắp (LPRC), với các thành viên bao gồm nhiều nhà bán lẻ như Walmart, Target, Home Depot và Gap, cho biết có hai loại trộm cắp cửa hàng đang gây khó khăn cho các nhà bán lẻ hiện nay.

“Loại thứ nhất là những người có thể chưa bao giờ trộm cắp trước đây, họ không hề tinh vi trong cách ăn trộm. Và, họ hầu như chỉ lấy những thứ cần thiết như bánh mì và thịt”, tiến sĩ Hayes nói. “Loại thứ hai là tội phạm có tổ chức. Các băng đảng chuyên nghiệp này vận hành những đường dây ăn cắp các mặt hàng cụ thể từ một địa điểm cụ thể hoặc một mặt hàng từ nhiều nơi để bán lại”.

Theo ông Hayes, các nhóm đạo chích chuyên nghiệp còn phối hợp với nhau để tổ chức những phi vụ trị giá hàng triệu USD - thường là nước hoa, mỹ phẩm, hoặc thiết bị điện tử. Sau đó, chúng bán lại hàng trên “chợ đen”, thường là tại các trang đấu giá trực tuyến, chợ trời, cho các nhà bán lẻ khác hoặc cho một bên bán hàng thứ ba trên các sàn thương mại điện tử.

Camera an ninh ghi lại hình ảnh của những kẻ mua hàng bằng thẻ tín dụng ăn cắp tại siêu thị Home Deport. Ảnh: NY Post.

Jason Brewer, Phó chủ tịch cấp cao về Truyền thông & Tiếp thị của Hiệp hội các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ Mỹ (RILA) cho biết, ngày nay tội phạm bán lẻ có tổ chức là một “vấn đề trị giá hàng tỷ USD” và nhắm đến hầu hết các loại cửa hàng. Còn theo Liên đoàn Bán lẻ quốc gia (NRF), hiệp hội lớn nhất trong ngành tại Mỹ, hành vi trộm cắp cửa hàng quy mô lớn đang là nguyên nhân chính dẫn tới hoạt động “thu hẹp” bán lẻ hàng năm, một thuật ngữ chỉ hàng hóa bị thất lạc do trộm cắp, gian lận, hư hỏng và các lý do khác.

NRF cho biết tổng thiệt hại của toàn ngành lên tới 94,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng khá nhiều so với con số 90,8 tỷ USD thiệt hại của năm 2020. Gần một nửa là do trộm cắp sản phẩm quy mô lớn. Tính trung bình, mỗi tập đoàn bán lẻ chứng kiến loại hình trộm cắp này tăng 26,5% so với năm trước.

Vì đâu nên nỗi?

Một trong những nguyên nhân gây ra hành vi trộm cắp trong cửa hàng là lạm phát. Dù lạm phát đang hạ nhiệt - một cách chậm rãi - nhưng giá cả ở Mỹ vẫn tăng, ngay cả sau hai năm khó khăn khi người tiêu dùng phải chịu đựng mức giá cao ngất ngưởng đối với mọi thứ họ cần để duy trì cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Burt Flickinger, chuyên gia bán lẻ và Giám đốc điều hành của công ty tư vấn bán lẻ Strategic Resource Group, cho biết, gánh nặng kinh tế càng gia tăng đối với những người tiêu dùng gặp khó khăn về ngân sách trong thời kỳ lạm phát.

Ông Flickinger nói: “Hàng triệu người Mỹ không đủ khả năng mua đầy đủ hàng tạp hóa hoặc đổ đầy bình xăng, thanh toán cho phương tiện giao thông công cộng, hóa đơn nhà hoặc trả nợ thẻ tín dụng của họ”.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup, 3/5 người Mỹ, tương đương 61% dân số, đang gặp khó khăn về tài chính vì giá cả tăng cao. Trong số đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp cảm thấy căng thẳng nhất so với các nhóm có thu nhập cao hơn.

Hình ảnh từ camera an ninh ghi lại vụ cướp ở một cửa hàng bán lẻ ở Chicago. Ảnh: WSJ.

Báo cáo của Viện Gallup cho biết: “Ngay cả khi lạm phát đã hạ nhiệt, tác động của việc giá cả tiếp tục ở mức cao đã làm gia tăng nỗi đau tài chính mà người Mỹ đang cảm nhận”. Báo cáo cho biết, tình trạng lạm phát chậm lại gần đây “cho đến nay vẫn chưa giúp ích được gì nhiều cho người Mỹ và có thể cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn về giá cả thì tác động có hại của lạm phát mới giảm bớt”.

Gánh nặng tài chính đối với nhiều hộ gia đình đó ngày càng sâu sắc hơn khi việc mất đi các khoản hỗ trợ lương thực thời kỳ COVID-19 vào đầu năm nay, và điều này có thể tạo ra nhiều thác thức hơn đối với các gia đình có thu nhập thấp.

Trong khi đó, việc trộm cắp có tổ chức gia tăng được NRF nhận định là do “do thiếu tầm nhìn về phạm vi hoạt động của các nhóm tội phạm bán lẻ, ở cấp quốc gia hoặc thậm chí quốc tế”. Các yếu tố khác góp phần làm tăng hoạt động trộm cắp có tổ chức, theo NRF, bao gồm việc ít truy tố các tội phạm trong những vụ án bị coi là “không có nạn nhân”, án phạt còn quá nhẹ và sự phát triển của thị trường trực tuyến.

Nạn trộm cắp tại các cửa hàng cũng tạo ra mối nguy hiểm tính mạng cho các nhân viên bán hàng. Scott Glenn, Phó chủ tịch phụ trách Bảo vệ tài sản tại chuỗi siêu thị Home Depot, cho biết “bạo lực và đe dọa đi cùng với nạn trộm cắp đang bắt đầu trở nên hung hãn hơn”.

Hồi tháng 4 vừa qua, một nhân viên Home Depot đã bị bắn chết trong một cửa hàng ở Pleasanton, California, sau khi cố gắng ngăn chặn một nữ nghi phạm ăn trộm. Tuần trước, Michael Jacobs - một quản lý cửa hàng dược phẩm CVS ở Mesa, Arizona vì cho rằng một người đàn ông đang ăn trộm trong cửa hàng của mình nên đã đối chất và gọi cảnh sát. Cảnh sát đến ngay sau đó và nghi phạm được thả sau khi người quản lý nói rằng anh ta sẽ không bị buộc tội. Nhưng nghi phạm sau đó về nhà, lấy một khẩu súng và vài giờ sau quay lại cửa hàng, bắn chết Jacobs.

Một báo cáo của NFR cho biết 8/10 tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng bạo lực và gây hấn vào năm 2022. Do đó, hầu hết các chuỗi cửa hàng lớn như CVS và Home Depot hiện nay đều hướng dẫn nhân viên không tiếp cận người bị nghi ngờ là kẻ trộm để tránh nguy hiểm. Một số cửa hàng yêu cầu nhân viên chỉ gọi cảnh sát khi có hành vi trộm cắp liên quan đến bạo lực hoặc gây ra mối đe dọa về an toàn thể chất.

Michael Jacobs - một quản lý cửa hàng dược phẩm CVS ở bang Arizona, bị bắn chết vì tiếp cận kẻ tình nghi trộm cắp. Ảnh: Yahoo News.

Tăng cường biện pháp đối phó

Các nhóm ngăn ngừa tổn thất bán lẻ và cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ đã có nhiều nỗ lực để điều tra và giảm thiểu vấn nạn trộm cắp bán lẻ. Chẳng hạn, bang California đã đầu tư hơn 241,4 triệu USD trong năm qua để củng cố các nỗ lực thực thi pháp luật nhằm điều tra và ngăn chặn các vụ trộm có tổ chức tại các cửa hàng.

Các cố gắng này cũng đạt được kết quả đáng kể: Chiến dịch “Overload”, một cuộc điều tra kéo dài một năm của Đội tuần tra xa lộ California, đã giúp thu hồi số hàng hóa bị đánh cắp trị giá 50 triệu USD gồm TV, máy tính xách tay, lò vi sóng, ôtô, đồ trang sức và quần áo, từ các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Ngoài việc phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật, các nhà bán lẻ còn lắp đặt các hộp mica và dây cáp thép để khóa hàng hóa, đồng thời bổ sung hệ thống an ninh và báo động hiện đại hơn cho các cửa hàng của họ.

Ulta Beauty, chuỗi cửa hàng làm đẹp với hơn 1.000 địa điểm tại Mỹ, cho biết nước hoa là một trong những loại hàng hóa bị trộm cắp nhiều nhất của họ. Do đó, sản phẩm này sẽ được đặt trong tủ trưng bày có khóa ở 70% cửa hàng của Ulta vào cuối năm nay. Còn Home Depot sẽ sử dụng "mọi nguồn nhân lực và công nghệ" để khiến việc trộm cắp trong các cửa hàng trở nên khó khăn hơn, theo Evelyn Forbes, Giám đốc cấp cao về Các vấn đề công cộng của chuỗi siêu thị này, cho biết.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng dồn sức vận động cho “Đạo luật Cung cấp thông tin”. Luật này yêu cầu các chợ trực tuyến tiết lộ danh tính của những người bán hàng số lượng lớn, khiến việc bán lại hàng hóa bị đánh cắp một cách ẩn danh trở nên khó khăn hơn.

Mục tiêu chính của dự luật là Amazon và eBay, những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của bán lẻ truyền thống. Những gã khổng lồ kỹ thuật số cuối cùng đã ủng hộ luật sau khi một số nhượng bộ nhất định được bổ sung, nhờ đó, Đạo luật Cung cấp thông tin chính thức có hiệu lực vào tháng 6 vừa qua.

Sau Đạo luật Cung cấp thông tin, ngành bán lẻ đặt thêm mục tiêu mới: Đạo luật Chống tội phạm bán lẻ có tổ chức (CORCA). Đạo luật này đề xuất các hình phạt cứng rắn hơn đối với tội trộm cắp và kêu gọi thay đổi ngưỡng cấu thành tội trộm cắp liên bang.

Hiện tại, công dân Mỹ chỉ bị buộc tội trộm cắp liên bang nếu lấy cắp hàng hóa có giá trị từ 5.000 USD trở lên mỗi món. Nhưng CORCA sẽ cho phép các công tố viên liên bang khởi tố vụ án nếu tổng giá trị hàng hóa đạt từ 5.000 USD trở lên. Theo CNBC, 6 bang đã phê chuẩn CORCA và dự luật đang chờ Thượng viện Mỹ thông qua để chính thức trở thành luật liên bang.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nganh-ban-le-my-chat-vat-doi-pho-voi-nan-trom-cap-i707989/