Ngang nhiên 'chiếm' đảo nuôi thủy sản?

Diện tích mặt biển rộng hàng chục ha tại một hòn đảo được quy hoạch làm du lịch đã bị 'chiếm' để nuôi thủy sản.

Sau nhiều lần bị từ chối, chúng tôi cũng thuê được xuồng từ cảng Cái Rồng ra đảo Hòn Chín (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) để chứng thực lời của ngư dân phản ánh về tình trạng “chiếm” đảo nuôi thủy sản trái phép. Một số người lái xuồng từ chối đưa chúng tôi ra đó khi biết chúng tôi là nhà báo vì sợ “liên lụy” bởi đối tượng “chiếm” đảo Hòn Chín để nuôi trồng thủy sản “không phải dạng vừa”.

Xuất phát từ cảng Cái Rồng, chúng tôi phải mất khoảng 45 phút cho quãng đường biển gần 30km bằng xuồng cao tốc để đến được đảo Hòn Chín. Đây là hòn đảo khá đẹp, nằm gần cuối đảo Cái Rồng, thuộc địa bàn quản lý của xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn).

Theo ngư dân thường đánh bắt thủy sản ở khu vực này cho biết, khu vực đảo có một phần núi đá được dùng để nuôi ốc, còn khu vực mặt nước xung quanh đảo rộng hàng trăm ha có độ sâu khoảng 5m nên rất phù hợp cho việc nuôi các loại nhuyễn thể 2 mảnh như ngao, tu hài… Có lẽ chính vì thế H., một người có “máu mặt” tại xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) đã lựa chọn “độc chiếm” đảo để nuôi ngao.

Khi có mặt tại khu vực phía mặt trong của đảo, chúng tôi thấy một nhóm 5 người đang chuẩn bị thả những lồng cát xuống lòng biển để xuống giống ngao. Trên bè mảng đang có cả ngàn lồng nuôi ngao đang được thợ lặn và công nhân đưa xuống đáy biển. Qua trao đổi với những người công nhân ở đây cho biết, họ chỉ là những người làm thuê cho chủ tên H. ở xã Hạ Long.

Gần khu vực họ thả lồng nuôi ngao là một chiếc tàu vỏ xi măng được neo đậu như một chiếc bông tông với hầm chứa nước ngọt, bếp, phòng ngủ… có vai trò là “đại bản doanh” để công nhân ăn nghỉ tại đó.

Cho xuồng đi vòng ra phía mặt trước của đảo Hòn Chín, chúng tôi cũng bắt gặp một nhà bè đang neo đậu với rất nhiều các lồng để nuôi ngao. Phía trên đảo còn có một căn nhà tạm và khu vực tập kết rất nhiều lồng nuôi ngao ở phía dưới tán rừng phi lao.

Ông Nguyễn Sinh Lượng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng (huyện Vân Đồn) cho biết, theo quy hoạch thì khu vực đảo Hòn Chín được quy hoạch phát triển du lịch.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Tiến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn) khẳng định: Khu vực mặt biển xung quanh đảo Hòn Chín không nằm trong vùng được chính quyền địa phương cấp phép cho nuôi thủy sản.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tình trạng nuôi thủy sản ở đảo:

Một góc đảo Hòn Chín nơi đang bị "chiếm" để nuôi ngao.

Rất nhiều lồng nuôi ngao chuẩn bị được thả xuống đáy biển.

Công nhân chuẩn bị kỹ lưỡng từng lồng nuôi trước khi thả xuống đáy biển.

Tiếp nhiên liệu cho "máy thở" để cung cấp ô xy cho thợ lặn thả lồng nuôi xuống đáy biển.

Thợ lặn buộc chì xung quang và ngậm "ống thở" được cung cấp từ máy trên tàu.

Từng lồng nuôi được thả xuống nhanh chóng cho thợ lặn đang chờ dưới đáy biển.

Một tàu vỏ xi măng được neo đậu làm địa điểm ăn nghỉ của công nhân.

Trên đảo có rất nhiều lồng nuôi ngao được tập kết.

Phía mặt trước đảo cũng tồn tại một nhà bè với rất nhiều lồng nuôi ngao được tập kết.

Căn nhà tạm với téc nước được dựng giữa trung tâm đảo.

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngang-nhien-chiem-dao-nuoi-thuy-san-10270896.html