Ngân vang chiếu chèo

Cuộc sống dù bộn bề, vất vả nhưng hễ ngơi tay cày cuốc, những 'nghệ sĩ nông dân' chân lấm tay bùn của chiếu chèo Nguyên Lợi (huyện Lâm Thao) lại hào hứng hòa mình vào những làn điệu chèo với nhịp nhàng tay đàn, tay trống. Cứ thế, chiếu chèo ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống làng quê, thiết thực góp phần lan tỏa nghệ thuật chèo truyền thống đến khắp mọi nơi.

Những diễn viên chèo không chuyên biểu diễn trên chiếu chèo Nguyên Lợi được tổ chức tại gia.

Hát chèo bằng… trái tim

Bến nước í sân í đình

Quê hương tôi mướt xanh màu hoa trong nắng í chan í hòa

Lời mẹ thiết tha, thủa xưa nồng ấm

Ru giấc ơi à, vượt những phong baVẹn tình son sắt, ghi khắc trong ì i ta í i ì i í i i ì…

Trong tiết Thu dìu dịu, trong trẻo, nắng vàng nhẹ nhàng trải thảm trên những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, từng câu chèo mượt mà, réo rắt của ông Nguyễn Văn Lợi ngân lên, luyến láy, da diết đi sâu vào lòng người. Xuất thân là nông phu ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, sau vài chục năm lăn lộn làm kinh tế trên mảnh đất quê hương, vợ chồng ông Lợi đã có cơ ngơi hơn chục ha trang trại, ao cá, vườn cây. Ngày trước, chẳng ai mảy may nghĩ rằng một người nông dân đầu tắt mặt tối với lợn gà, chuồng trại, ao chuôm, lại có thể yêu chèo đến đắm say, có thể thuộc hàng trăm bài chèo như thế. Giờ, chỉ cần đặt chân đến gần đất Phùng Nguyên, hỏi thăm nhà ông Lợi “chèo”, ai cũng chỉ đường đến được tận sân.

Trong câu chuyện về cơ duyên với chèo, ông Lợi kể: “Thuở ấy, tôi hay mở đài, mở tivi nghe, xem các chương trình ca nhạc, nhất là chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mỗi lần xem đến tiết mục hát chèo, trong lòng tôi thấy thích thú lắm, cứ chộn rộn, xốn xang. Dần dần, những làn điệu chèo cứ thấm vào người, vào máu thịt, cuốn hút tôi đến quên ăn, quên ngủ”. Mê chèo quá, nên dù một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết, ông Lợi vẫn say sưa tập tành hát chèo. Dần dà, khi đã biết hát một số làn điệu chèo cơ bản, lại “ngắm” trúng một số người quen, bạn bè biết và thích chèo, ông Lợi quyết tâm mở chiếu chèo để mọi người cùng sinh hoạt, giao lưu ở địa phương cho thỏa niềm đam mê. Năm 2016, chiếu chèo Nguyên Lợi ra đời, lấy tên hai vợ chồng ông.

Ông Lợi “chèo” (người ngồi bên phải) luyện những điệu chèo mới với “quân sư” - ông Dương Quý Linh.

“Thời đó đâu đã có chương trình karaoke hát chèo trên tivi, có sẵn lời bài hát để mọi người luyện tập như bây giờ, cũng chưa ai học qua lớp hát chèo nào, nên chúng tôi nào biết đến nhịp nội, nhịp ngoại, lưu không, luyến, rung là như thế nào. Mười mấy con người đến với nhau vì đam mê câu chèo, tự tìm tòi học hỏi, bảo ban lẫn nhau” - Ông Lợi tâm sự. Các thành viên trong chiếu chèo hầu hết là những người nông dân. Ban ngày, quần quật với vườn tược, đồng ruộng, đến tối ngơi tay, họ lại trở thành những diễn viên chèo nghiệp dư. Người đánh trống, người gõ phách, người chơi đàn bầu, nhị, đàn tam, sáo. Cứ thế, những làn điệu chèo ngân lên ngọt ngào, tha thiết để động viên nhau trong lao động, sản xuất, ngợi ca con người, quê hương đất nước,... Mỗi tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, ngôi nhà rộng rãi với bốn bề là ao cá, trang trại của ông Lợi, bà Nguyên lại trở thành điểm giao lưu, gặp gỡ của những ai yêu thích hát chèo quanh vùng.

Có tiếng xe máy xình xịch rồi đỗ lại đầu sân. Hóa ra là “khách vip” của ông Lợi. Ông là Dương Quý Linh, người chơi đàn bầu trong chiếu chèo, cũng là “quân sư”, người hướng dẫn ông Lợi hát chèo nhiều năm qua. Nhân câu chuyện về tập hát chèo, ông Linh kể: “Ngày ấy say mê lắm, đến độ quên ăn quên ngủ. Có hôm, hai thân già say sưa tập luyện từ tối đến tận đêm khuya, đến lúc mệt, ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ, thì đã ba giờ sáng rồi”. Bà Nguyên, vợ ông Lợi đang tất bật chuẩn bị cơm trưa, nghe được câu chuyện, vui vẻ nói với ra: “Ở đâu cũng thấy ông nhà tôi hát í a í ới, ra vườn hát, cho cá ăn hát, rồi chuẩn bị đi ngủ cũng hát. Hát không biết chán cũng không biết mệt là gì. Nhiều khi tôi nghĩ, hay là mê quá hóa… dở hơi mất rồi”. Chưa hết, để thuận tiện học hát, ông Lợi còn sắm cả bảng, phấn về để viết lời, gạch nhịp. Bài nào mới chưa thuộc, ông nghe và tự chép lời ra giấy, rồi bỏ tiền ra đem đi photo để phát cho mọi người cùng học lời. “Bao nhiêu bài chèo, bao ngày tháng như vậy, số giấy ấy cũng phải hơn yến đấy” - Ông Lợi cười.

Nhạc công của chiếu chèo Nguyên Lợi - những người góp phần đưa điệu chèo đi sâu vào lòng người.

Với chất giọng mượt lại khỏe, vang, ông Lợi chăm chỉ học hỏi và sáng tạo, nên kỹ thuật diễn ngày càng điêu luyện qua những luyến láy của chất giọng, sự uyển chuyển trong động tác, khiến người xem mê mẩn, say sưa không dứt. Từ câu chèo, ông Lợi có thể hát được nhiều thể loại như hát văn, xẩm, ví dặm, cải lương. Cứ thế, bằng trái tim yêu chèo của mình, ông Lợi càng hát càng say, càng yêu chèo cháy bỏng.

Lan tỏa tình yêu với chèo

Những ngày đầu mở ra, chiếu chèo Nguyên Lợi còn đơn sơ, lúc thiếu tay trống, lúc vắng tay đàn. Là chiếu chèo tự do không chuyên, không đóng phí, gây quỹ,... nên trang thiết bị, đồ dùng còn thiếu nhiều. Vì tình yêu với điệu chèo, ông Lợi và vợ không ngần ngại bỏ tiền ra mua sắm từng thứ một. Sân khấu, âm ly, loa đài,... đều do vợ chồng ông tự chuẩn bị. Nhà chẳng ai có máu văn nghệ, nhưng vợ con ông đều ủng hộ hết mình, trở thành hậu phương vững chắc và là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho những rong ruổi của ông trên chiếu chèo. Mỗi lần ông mở sân khấu, tổ chức giao lưu văn nghệ tại nhà, các con ông dù ở xa cũng đều về đông đủ phụ giúp cho cha mẹ.

Tiếng lành đồn xa, tâm huyết của ông Lợi “chèo” và chiếu chèo của ông ngày càng được nhiều người biết đến. Nhiều người ở các huyện khác trong tỉnh như Đoan Hùng, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy và các tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Vĩnh Phúc,... không quản đường xa, khăn gói tay nải, lặn lội đến tận nhà ông để tham gia chiếu chèo. Không chỉ giao lưu, biểu diễn tại gia, chiếu chèo Nguyên Lợi còn được mời đến đám cưới, lễ mừng thọ, tham gia biểu diễn ở các hội nghị, hội làng của các xã, huyện lân cận, xa nhất là lên tận SaPa biểu diễn. Tiếng hát, tiếng trống chèo và những “nghệ sĩ nông dân” với váy áo mớ ba, mớ bảy, tay quạt tay nón đã lan tỏa nghệ thuật chèo truyền thống đến khắp mọi nơi. Thuộc hàng trăm điệu chèo và ông Lợi cũng đã có hàng trăm “học viên” yêu chèo ở đủ mọi lứa tuổi. Thời gian này, có bảy, tám em học sinh đang học lớp 6, lớp 7, lớp 10 ở trong vùng rất yêu chèo, cũng đến tham gia học hát, được ông Lợi chỉ dẫn tận tình từng nhịp, từng phách. Em Nghiêm Thị Chiến, học sinh lớp 6 Trường THCS Phùng Nguyên 2 có thể hát thuần thục nhiều điệu chèo, em học rất nhanh, nắm nhịp phách tốt. “Cháu được nghe ông Lợi hát chèo và thấy rất thích nên muốn theo ông học hỏi. Cháu muốn mai sau sẽ thuộc nhiều điệu chèo và trở thành người hát chèo giỏi, để mang câu chèo quê hương đến với tất cả mọi người”, Chiến bộc bạch.

Ông Lợi dự kiến, đến gần cuối năm nay, khi vụ mùa, công việc đồng ruộng đã xong xuôi, sẽ mở lại sân khấu chèo tại gia, trong một tối hôm trước và cả ngày hôm sau, sau hơn hai năm vắng bóng vì dịch bệnh COVID-19. “Nhiều CLB ở xa mình không mời mà họ vẫn cứ nhiệt tình về giao lưu từ chiều hôm trước, nên tôi cũng khá lo khâu tiếp đón. Mấy năm đầu tổ chức, vợ chồng tôi tự chiêu đãi hết mọi người, vài chục mâm cơm, thôi thì rau dưa đạm bạc, cùng chia sẻ với nhau. Nhưng mấy lần như thế, mọi người bảo thế thì không vui, nên mỗi người một ít, cùng góp vào để lo chi phí ăn uống, liên hoan”.

Trong cái hay, cái đẹp và niềm vui tinh thần với những điệu chèo, ông Lợi còn nhiều trăn trở: “Chiếu chèo còn duy trì, phát triển được đến ngày hôm nay là nhờ vào lòng đam mê, hăng say của người diễn. Đa số những chiếu chèo không chuyên phải tự duy trì, bảo tồn. Đất diễn còn hạn hẹp, do đó những nghệ sĩ nghiệp dư như chúng tôi chưa có điều kiện phát huy hết tài năng của mình”. Dẫu còn đó những khó khăn, nhưng hy vọng với sự nhiệt huyết của các nghệ nhân và tình yêu chèo của mọi lứa tuổi, cùng với sự quan tâm khuyến khích của các cấp chính quyền, nghệ thuật chèo truyền thống sẽ được bảo tồn và phát triển, giúp cho những điệu chèo mang tâm hồn Việt còn ngân vang mãi trên các miền quê.

Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/ngan-vang-chieu-cheo/187279.htm