Ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa còn dàn trải

Ngày 6-11, tại Tòa nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thông qua hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các lời hứa, cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành.

Toàn cảnh phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất tại Kỳ họp thứ 6

Toàn cảnh phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất tại Kỳ họp thứ 6

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với nhóm vấn đề thứ nhất về kinh tế tổng hợp. Trong đó, tập trung vào tiến độ, kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, công tác quy hoạch, việc lập các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đề dẫn phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đề dẫn phiên chất vấn

Các đại biểu cũng chất vấn về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phát triển hộ kinh doanh và doanh nghiệp, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án giải ngân vốn đầu tư công; cơ cấu lại nền kinh tế…

Cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng công tác chỉ đạo triển khai thực hiện và kết quả đạt được còn hạn chế. Đến nay còn 28/102 nhiệm vụ đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 21/30 chỉ tiêu khó đạt mục tiêu đề ra. Xin hỏi nhận thức trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đã đầy đủ, tương xứng chưa? Trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên những chỉ tiêu, nhiệm vụ nào?

Đại biểu Phan Viết Lượng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Về lĩnh vực tài chính, phân bổ ngân sách, các đại biểu cho rằng nguồn lực cho công tác văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều năm qua ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa còn thấp, việc phân bổ còn dàn trải, cào bằng, thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế. Xin hỏi nguyên nhân của hạn chế nêu trên và chỉ tiêu nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới việc phân bổ sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo, văn hóa nói chung, cho giáo dục đại học, cho thiết chế văn hóa nói riêng như thế nào?

Đại biểu Phan Viết Lượng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Giải trình nội dung chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định những ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm và sát với thực tiễn, gợi mở cho Chính phủ nhiều giải pháp trong điều hành thời gian tới.

Các đại biểu tại phiên chất vấn

Các đại biểu tại phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Về tái cơ cấu nền kinh tế như ý kiến chất vấn của đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Đặc trưng của nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn đối với những tác động từ bên ngoài và đặc biệt là sức cạnh tranh còn rất hạn chế. Vì vậy, Đảng cũng đã có chỉ đạo là phải cơ cấu lại nền kinh tế. Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã có Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12-11-2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào nghị quyết này, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp

Tất cả các nhiệm vụ này, hiện nay các bộ, ngành, các địa phương đã triển khai, tuy nhiên, hiện mới sau 2 năm thực hiện một kế hoạch kéo dài 5 năm, nên các công việc chưa hoàn thành toàn bộ. Phó Thủ tướng cho biết, nhiều chính sách đã phát huy tác dụng, tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ, sử dụng linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, đúng như đại biểu Phan Viết Lượng đặt ra là một số chỉ tiêu cần phấn đấu nỗ lực hơn nữa, cụ thể là tỷ trọng chi cho khoa học, công nghệ, năng suất lao động… Cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa thay đổi đáng kể.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy mạnh hoàn thiện các mục tiêu, lĩnh vực trọng tâm, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước; tập trung phát huy vai trò dẫn dắt, đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn và các cực tăng trưởng để thúc đẩy tăng năng suất lao động, thúc đẩy chuyển dịch các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững; phát triển các ngành mới, các dịch vụ chất lượng cao và phát triển đồng bộ các loại thị trường. Chính phủ cũng sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu

Qua ý kiến của đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến bố trí nguồn lực cho hai lĩnh vực này. Bình quân hằng năm bố trí khoảng 14,7% cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và kế hoạch đầu tư công cũng đã dành khoảng 3,7%. Đối với lĩnh vực văn hóa, vừa rồi cũng bố trí gần 2.000 tỷ để tu bổ các di tích. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu và còn tình trạng dàn trải trong thực hiện, còn phân bổ trong nhiều năm và sử dụng không hết dự toán. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung, kiên trì coi đầu tư cho giáo dục - đào tạo, văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước.

Quan tâm bố trí nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và văn hóa, trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn thì đẩy mạnh xã hội hóa; huy động tối đa nguồn lực cho sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư. Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa. Trong chương trình này ưu tiên nguồn lực cho những mục tiêu trọng tâm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết thêm, hiện Chính phủ đang khẩn trương sửa đổi Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, qua đó nâng cao tính minh bạch, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/150398/ngan-sach-nha-nuoc-cho-cac-linh-vuc-giao-duc-dao-tao-van-hoa-con-dan-trai