Ngăn ngừa mầm mống phát sinh tội phạm

Hòa giải ở cơ sở là hoạt động mang tính chất xã hội tự quản đã tồn tại rất lâu đời và trở thành đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở huyện Mỹ Đức đã góp phần giải quyết kịp thời nhiều vị phạm hoặc tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần ngăn ngừa mầm mống phát sinh tội phạm.

Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải, những năm qua, triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, nhìn chung các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Mỹ Đức ngày càng được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả.

Đến nay, toàn huyện Mỹ Đức đã có 157 tổ hòa giải cơ sở với hơn 1.200 hòa giải viên. Tổ chức của các tổ hòa giải trên toàn huyện về cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh… Đây là điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên phạm vi địa bàn.

Hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ tư pháp và đoàn viên thanh niên trong huyện.

Qua việc theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở, nhận thấy trên địa bàn huyện không phát sinh điểm nóng, 157/157 tổ hòa giải đăng ký tổ hòa giải “5 tốt”. Bằng sự hiểu biết pháp luật, lòng nhiệt tình, sự tận lực của các hòa giải viên, công tác hòa giải cơ sở ở huyện Mỹ Đức đã thu được nhiều kết quả tốt.

Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng số vụ việc thụ lý là 42 vụ, trong đó hòa giải thành công 35 vụ, đạt tỷ lệ hòa giải thành công 83,5%. Tổng kinh phí UBND các xã, thị trấn hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở là 78,5 triệu đồng.

Ngoài việc chi hỗ trợ chế độ cho hòa giải viên cơ sở theo quy định, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Mỹ Đức chi hỗ trợ cho các tổ hòa giải đối với mỗi vụ việc hòa giải thành công là 200.000 đồng, mỗi vụ việc hòa giải không thành là 100.000 đồng.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở huyện Mỹ Đức, UBND các cấp huyện cần phải nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải từ đó có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác này. Có sự phân bổ ngân sách cụ thể của địa phương cho công tác hòa giải bởi trong những năm qua, từ thực tế cho thấy địa phương nào có sự quan tâm, chỉ đạo quản lý quyết liệt cụ thể thì nơi đó, hoạt động hòa giải đạt kết quả cao, tình hình an tinh trật tự ở địa phương tốt, việc khiếu kiện giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ những người làm công tác hòa giải ở cơ sở qua đó tăng cao tỷ lệ hòa giải thành công trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp trong nhân dân.

Để làm tốt những việc này, Phòng Tư pháp và các Ban Tư pháp xã, thị trấn phải chủ động trong lập kế hoạch tổ chức nhiều cuộc tập huấn với nhiều hình thức khác nhau để thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao kinh nghiệm cho các hòa giải viên, tạo niềm tin cho đội ngũ hòa giải viên trong giải quyết các vụ việc tranh chấp ở cơ sở. Thường xuyên cung cấp tài liệu, sách, báo pháp luật cho các tổ hòa giải cơ sở nhằm kịp thời cập nhật các quy định mới của Đảng và Nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệp qua sách, báo pháp luật.

Võ Hoàng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ngan-ngua-mam-mong-phat-sinh-toi-pham-55104.html