Ngàn năm thu vàng

Bạn thân mến,

Sáng nay trên đường đi làm, nhìn cái nắng hửng lên từ phía chân trời thành phố và hương hoa sữa thì đã nồng lên trong hơi sương mát lành, bất giác tôi mỉm cười và lẩm nhẩm những câu thơ của Nguyễn Đình Thi, đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người Việt mình:“Sáng mát trong những tháng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Vậy là một mùa thu nữa đang đi qua với Hà Nội. Chỉ khác, đây là mùa thu thiêng liêng: Mùa thu thứ 1000. Bởi vậy, thu ngàn năm Hà Nội rực rỡ, đông vui, tưng bừng như chưa từng có bao giờ. Bạn ạ, trước khi đại lễ diễn ra, tất cả mọi người đều lo lắng tới chuyện... thời tiết. Ngành khí tượng thủy văn thì tập trung tất cả cho “vùng Hà Nội”, đến nỗi có cảm giác sao nhãng cho nhiều vùng miền khác. Bản tin dự báo thời tiết trên VTV cũng cụ thể hơn cho các khu vực của Hà Nội, nhất là khu trung tâm. Thậm chí, có người như ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh còn “xuất thế” khoe “tài” có thể “đuổi” được mưa trong suốt 10 ngày đại lễ. Chuyện của ông Tuấn Anh mà báo chí gọi là “dị nhân” này lúc đầu nói, đại ý: “phải có 7 tỷ ông mới làm cho Hà Nội”. Nhưng sau thì tự ông, lại sẵn sàng “không lấy đồng xu nào”. Nhiều người không tin vào điều “dị nhân” đó nói. Thậm chí các chuyên gia khí tượng khi bị “chất vấn” về chuyện con người có thể “đuổi” được mưa hay không, cũng dè dặt lắc đầu. Cuối cùng thì... tất cả nhờ trời. Thu Hà Nội năm thứ 1000 vàng ươm. Cái màu vàng chủ đạo của nắng thu ấy đã giúp cho 10 ngày đại lễ diễn ra suôn sẻ, dù đôi lúc, như sáng khai mạc 1-10, mưa cũng có lắc rắc tô điểm thêm cho hồ Gươm thêm phần thi vị. Bạn thân mến, Vậy là 10 ngày đại lễ đã trôi qua với quá nhiều sự kiện và ngổn ngang xúc cảm. Người Hà Nội ngay sáng 11-10-2010 đã trở lại với cuộc sống thường thật của mình. Và thu vẫn vàng ươm màu nắng. Tôi luôn cảm thấy Hà Nội là Hà Nội nhất không phải trong không khí thành phố có hội hè, đình đám cờ phướn rợp trời, tia lade lập lòe xanh đỏ mà trong không gian phố phường tĩnh lặng, đó là lúc sớm mai hay những khuya đêm chỉ thoang thoảng mùi cây, mùi hoàng lan và những tiếng rao. Ở đó, Hà Nội hiện ra, của hôm nay mà cũng là của ngàn năm trước. Cái không gian lắng đọng đó, nếu ở xa đến, như dòng người muôn nơi đổ dồn về Hà Nội dịp đại lễ vừa rồi, thật khó có thể cảm nhận. Vì thế, đám bạn bè của tôi bảo, rất khó yêu Hà Nội những ngày “tiệc tùng” xôn xao như vừa qua. Tôi thì nghĩ rằng từ những góc nhìn khác nhau, với những thông tin khác nhau thì mỗi người sẽ có thể đưa ra những bình luận không giống nhau. Tất nhiên là thế, vì cuộc sống luôn chảy trôi, và nhận thức của mỗi người một khác. Nhưng có một sự thật là, Hà Nội trở nên như vậy, phần nhiều lại do ý thức của người dự phần vào những lễ hội ấy. Bạn biết không, chiều 10-10, khi ấy mới 3h thôi, tôi đi bộ một vòng quanh hồ Gươm và thật sự sốc về cảnh quan ven hồ. Không thể tưởng được hồ Gươm lại bị “đối xử” như thế. “Tan hoang” – đó là những gì tôi nhìn thấy. Người ta đánh đu lên ngọn cây, người ta dẫm đạp vào thảm cỏ bồn hoa. Hoa trồng mới cho dịp Đại lễ bị nát nhừ đã đành, những vạt cỏ xanh tươi bao bọc lấy hồ Gươm dưới những tán cây cổ thụ xanh mướt mắt ngày thường cũng bị người dày xéo, đến ngày thứ 10 thì đã biến mất hoàn toàn trên những vạt đất trắng thếch bạc màu nhường chỗ cho xe máy ngổn ngang, người nằm ngủ vạ vật hệt như đang sống ở một xứ rừng hoang thẳm nào đó. Rồi theo đó, giấy báo, vỏ bánh kẹo, túi nilon, vỏ chai nước uống... la liệt khắp mọi nơi. Hồ Gươm xanh là thế, đẹp là thế, thân thương là thế bỗng trở nên xa lạ như chưa từng quen biết. Bờ Hồ của sương khói ngàn năm trở thành điểm “tập kết” của người và rác, của ồn ào huyên náo, của móc túi, của chửi thề. Ngay cả tháp Hòa Phong bên hồ Gươm vừa được thành phố “làm sạch” những trái tim yêu xanh đỏ, những nét bút nhằng nhịt cảm xúc cá nhân cũng lại tiếp tục bị viết, vẽ bậy. Những vấn đề xã hội ấy, nếu quy cho công tác tổ chức sự kiện cũng đúng, mà nếu bảo những người tham gia lễ hội thiếu ý thức, thiếu văn hóa đô thị hẳn cũng là một góc nhìn không sai, phải không bạn? Bạn thân mến, Hà Nội là trung tâm của cả nước, vì vậy, việc phát triển đô thị theo hướng hiện đại hóa là lẽ đương nhiên. Trên đà xây dựng của mình, cùng với thời gian, những cái mới lần lượt ra đời, thay thế. Những cái cũ dù không còn lại bao nhiêu nhưng lặng lẽ chìm lấp về sau, nhường vị trí lịch sử cho bộ mặt Thủ đô sang trọng hơn, hiện đại hơn. Ngày mới đặt chân đến Hà Nội, tôi cứ thầm trách sao Thủ đô của mình không có những đền đài cung điện cổ kính hoành tráng như các nước khác. Lúc ấy, bạn không hề trách tôi mà mỉm cười đầy ẩn ý. Thế rồi, suốt hơn chục năm gắn bó với thành phố này, mỏi công khám phá, mà mỗi một năm, một mùa, một khoảnh khắc tôi lại thấy Hà Nội còn những nét đẹp riêng mà mình có căng mọi giác quan cũng không thể cảm nhận hết được. Chả thế, như nhà văn Nguyên Ngọc đã từng nói, đại ý là Hà Nội đẹp... khủng khiếp, đẹp đến mức mà qua bao nhiêu tàn phá, ngày nay Hà Nội vẫn đẹp đến như vậy. Chẳng biết, thu Hà Nội thời chiến tranh khác mùa thu hòa bình ra sao, chỉ biết, qua bao nhiêu năm tháng, dù những hàng cây đã cao lớn hơn, dù có vài cây nào đó đã lìa đời, dù con phố ấy đã thêm những tòa nhà cao tầng hay đã đổi thay đến nỗi người đi xa lâu ngày không còn có thể nhận ra, thì cứ đến mùa thu là nắng sẽ vàng, lá từ những hàng cây ven đường cũng sẽ vàng, rồi gió heo may, và sương thu lành lạnh, dìu dịu thì muôn đời vẫn thế. Chẳng hiểu, ở Cổ Nguyệt Đường bên hồ Tây cách đây vài trăm năm, Hồ Xuân Hương so mình vì sương sớm gió thu như thế nào, thì mùa thu thứ 1000 này, chị hàng hoa chở cả ôm cúc vàng rực ngang qua đường Thanh Niên cũng vẫn còn cảm giác tê lạnh ngoài da. Và mùa thu ấy, dù có nắng mưa bão táp, dù khí hậu có biến đổi, dù khói bụi có làm người ta tắc thở thì cái đọng lại trong cảm giác con người vẫn là mùa thu Hà Nội chứ không phải mùa thu ở Nha Trang, ở Vinh, ở London, Paris hay bất cứ nơi nào khác. Chả thế, hôm trước tôi có dịp ngồi cà phê với nhà thơ Phan Vũ – tác giả “Em ơi, Hà Nội phố” ở Hà Nội, ông bảo: “Mọi người cứ lo Hà Nội sẽ biến đổi, sẽ mất mát đi những vẻ đẹp của riêng mình. Nhưng tôi thì nghĩ, nghìn năm rồi với bao cuộc chiến, bao đổi thay Hà Nội còn chả mất, thì mấy cái va đập nhè nhẹ của kinh tế thị trường ăn nhằm gì. Rồi sẽ có những góc Hà Nội thật Hà Nội, không thể tìm được ở bất cứ nơi đâu”. Tôi cũng nghĩ như thi sĩ Phan Vũ. Bởi với tôi, ngàn năm nay, thu Hà Nội vẫn vàng – dù đôi khi, đó là màu vàng trong tâm tưởng, trong ký ức riêng của mỗi người yêu Hà Nội. Hoàng Thu Phố

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=18656&menu=1434&style=1