Ngăn 'lách luật', thỏa hiệp

Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ vốn đã khá nghiêm khắc khi tăng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm giao thông. Nay Nghị định 123/2021 còn quyết liệt hơn khi có hành vi bị phạt đến 150 triệu đồng.

Hi vọng của người dân cũng theo đó tăng lên bởi từ khi Nghị định 100 được áp dụng đã chứng minh được tính hiệu quả. Chấn chỉnh tình trạng xem thường pháp luật, tác dụng răn đe từ công cụ chế tài đã giúp người điều khiển phương tiện ý thức được trách nhiệm với cộng đồng.

Có thể xem Nghị định 123 là “phiên bản” mới đã được “nâng cấp” của Nghị định 100. Hầu hết các lỗi vi phạm đều tăng mức xử phạt, có hành vi tăng gấp đôi như không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, với xe ôtô chở quá tải trên 50%, số tiền phạt đã tăng gấp 5 lần. Biện pháp chế tài kèm theo đó là tước giấy phép lái xe cũng được kéo dài thời gian.

Xe ôtô chở quá tải trên 50%, số tiền phạt đã tăng gấp 5 lần trong Nghị định 123. Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Đăng Tấn, 43 tuổi, lái xe đầu kéo chạy tuyến Nam - Bắc tâm sự: “Với mức phạt như vậy, chủ xe sẽ không dám “ép” chúng tôi chở quá tải. Vì chỉ cần “dính” biên bản một lần là chuyến hàng ấy lỗ nặng”. Nhiều tài xế xe tải khác cũng đón nhận thông tin tăng nặng số tiền phạt với tâm trạng vui mừng. Lái xe đường dài vốn đã vất vả nên chẳng ai muốn tăng thêm gánh nặng cho vô lăng, bởi với họ “phía trước tay lái là sự sống”, còn đằng sau vòng quay của bánh xe là cả một gia đình.

Khó khăn trong chống đua xe của ngành chức năng đã phần nào được tháo gỡ. Đua môtô, xe máy, xe đạp điện trái phép mức phạt đã lên 10 - 15 triệu đồng. Hành vi đua ôtô trái phép dĩ nhiên bị phạt “đậm” hơn: 20 - 25 triệu đồng. Ấn tượng nhất là đi đôi với tịch thu xe bất kể phương tiện gì.

Luật nghiêm minh, cứng rắn song chỉ phát huy tác dụng tối đa khi được thực thi triệt để, chính xác, công bằng và không có vùng cấm. Lực lượng chấp pháp tích cực tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng. Chắc chắn không ai muốn người tham gia giao thông vi phạm để rồi phải làm thủ tục xử lý. Luật pháp luôn nhằm mục đích phòng ngừa, chỉ thành công trọn vẹn khi không có trường hợp nào vi phạm.

Không du di, thỏa hiệp, cũng không lách luật bằng cách “vẽ đường cho hươu chạy” là trách nhiệm vô cùng lớn của người thực thi pháp luật. Thực tế nếu không chú ý ngăn chặn rất dễ xảy ra tình trạng thỏa thuận “cưa đôi” tiền phạt, trên cơ sở “hai bên cùng có lợi”. Khi chưa có dịch, mùa Tết hay dịp lễ người dân về quê bằng xe khách khá đông. Việc xe chở quá số người quy định không hiếm gặp. Khác với xe chở quá tải được kiểm tra cụ thể bằng hệ thống cân tải trọng, xe chở người dù sao cũng “nhạy cảm” hơn.

Việc giám sát bằng camera trong xe cùng với kiểm đếm trực tiếp, đột xuất trên đường rất cần đảm bảo nghiêm túc. Một số nhà xe cho biết mức phạt từ 40 - 75 triệu đồng với chủ xe là cá nhân, 80 - 150 triệu đồng với chủ xe là tổ chức, rất dễ xảy ra chuyện “đi đêm” nhằm “tiết kiệm” ít nhất 1/2 khoản tiền phạt để không bị lập biên bản. Sắp tới đây khi hành khách có nhu cầu di chuyển bằng đường bộ tăng trở lại, vấn đề này rất cần sớm lưu tâm.

Tương tự là các biện pháp xử lý đối với lái xe có sử dụng chất kích thích, vi phạm nồng độ cồn. Mức phạt cao cũng dễ đi đến việc chủ động “thương lượng” để không bị phạt, tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe có thời hạn.

Riêng việc này nếu để xảy ra sơ suất thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ rất cao. Vụ việc tài xế xe đầu kéo dương tính với ma túy “lùa” gần 20 người đi xe gắn máy, trong đó ít nhất hai nạn nhân đã tử vong tại Bình Định mới đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh, không thể xem thường.

Người tham gia giao thông kể cả đi bộ cũng không được phép chủ quan, lơ là. “Trót” vi phạm phải chấp nhận bị xử phạt theo quy định, tránh việc nhờ vả can thiệp hoặc “xin - cho”… Không thể lấy sai để sửa sai. Hành vi “lót tay” chẳng những vi phạm pháp luật, làm tha hóa cán bộ mà còn dung dưỡng cho thói hư tật xấu.

Sẽ rất đáng lo khi nhiều người khác cũng “áp dụng”. Càng tuyệt đối tránh việc “xin xỏ” không xong quay sang cự cãi, chống đối. Bộ luật hình sự cũng nên tăng hình phạt tương xứng với những trường hợp vi phạm giao thông bị truy tố. Kiên quyết và không có ngoại lệ mới làm “chùn tay” người cố ý vi phạm.

Tăng mức phạt, mở rộng phạm vi xử lý rất phù hợp với xu thế chung và nhiều quốc gia nhờ đó đã thành công. Thế nhưng, phải luôn song hành với tinh thần “chí, công, vô tư” mới có được kết quả như mong đợi.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/ngan-lach-luat-thoa-hiep-i640929/