Ngân hàng và bảo hiểm "bắt tay" cùng phát triển

Mặc dù mô hình kinh doanh liên kết giữa bảo hiểm và ngân hàng(bancassurance)rất phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện vài năm gần đây. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ (BHNT), mô hình này tuy chưa thực sự phát triển ở Việt Nam nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan cho cả đôi bên.

Mặc dù mô hình kinh doanh liên kết giữa bảo hiểm và ngân hàng(bancassurance)rất phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện vài năm gần đây. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ (BHNT), mô hình này tuy chưa thực sự phát triển ở Việt Nam nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan cho cả đôi bên.

CôngThương - Chủ động “xích lại gần nhau”

Theo đánh giá của giới kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, doanh thu từ kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua các ngân hàng trong thời gian qua rất khả quan. Tại Tập đoàn Bảo Việt hình thức bancassurance đã được triển khai từ năm 2008, bắt tay với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB)... và gần đây nhất (10/2/2012) là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Đặc biệt, trong năm 2011, doanh thu qua kênh phân phối bancassurance đã tăng hơn 200% so với năm 2010 và Bảo Việt đã đưa vào kênh này 20 sản phẩm BHNT khác nhau.

Theo đánh giá của Bảo Việt, sử dụng bancassurance giúp công ty không những tiếp cận được với nguồn khách hàng mới mà còn giảm bớt các chi phí phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, khi bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm giảm thiểu những rủi ro phát sinh từ việc giao dịch bằng tiền mặt, giải quyết tốt bài toán thu phí, thanh toán quyền lợi bảo hiểm bằng tiền mặt…

Còn Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) cho biết, bancassurance giữ vai trò là thế mạnh trong kinh doanh của doanh khi năm 2011 kênh này thu về 23,49 tỷ đồng, tăng 50% doanh thu so với năm 2010. Hiện số lượng khách hàng BIC đang phục vụ qua kênh bancassurance trên 85.000 lượt người, tăng 41% so với năm 2010.

Kênh bancassurance cũng được Prudential Việt Nam triển khai từ năm 2004 để nâng cao sự tiện lợi trong dịch vụ dành cho khách hàng và tới nay tỷ trọng doanh thu từ kênh phân phối này chiếm khoảng 30% trên tổng doanh thu.

Dù triển khai liên kết bảo hiểm- ngân hàng có phần muộn hơn so với các đối thủ khác nhưng Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng với hình thức này. Năm 2010 công ty đã chính thức triển khai kênh phân phối bancasurance với Ngân hàng XNK Việt Nam (Eximbank), đầu năm2012 công ty tiếp tục bắt tay với Ngân hàng Sacombank. Cũng vì mới triển khai nên doanh thu phí bảo hiểm từ bancassurance còn khá khiêm tốn và Dai-ichi Life Việt Nam đã từ chối tiết lộ.

Ngoài các công ty bảo hiểm trên, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành như bảo hiểm AIA, Manulife… cũng đang triển khai bancassurance nhằm tăng thêm khách hàng và doanh thu về cho mình.

Bancassurance- Xu hướng phát triển trong thời gian tới?

Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh ở lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm ngày càng khốc liệt nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay thì cả ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tích cực tìm kiếm giải pháp hợp tác, liên kết nhằm phát huy các thế mạnh của cả hai bên, đồng thời mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng…Với xu hướng đó nên bancassurance được rất nhiều các công ty BHNT và ngân hàng lựa chọn và đẩy mạnh trong năm nay và những năm tiếp theo.

“Phát triển bancassurance là một trong những chiến lược quan trọng để Dai-ichi Life Việt Nam có thể đa dạng hóa kênh phân phối nhằm tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, hiệu quả kinh doanh của công ty qua kênh bancassurance sẽ tăng mạnh và đóng góp lớn vào thành công của công ty tại thị trường Việt Nam”- đại diện Dai-ichi Life Việt Nam khẳng định.

“Chiến lược của Prudential là liên kết với các ngân hàng lớn bao gồm cả ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài để phát huy tối đa thế mạnh của mỗi bên, do vậy chúng tôi đang tích cực triển khai bancassurance trên phạm vi rộng lớn, ở nhiều địa phương khác nhau thông qua các ngân hàng”- bà Tina Nguyễn, Phó tổng Giám đốc Điều hành Prudential Việt Nam, chia sẻ.

Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn là công tác đào tạo cán bộ bán hàng tại các ngân hàng. Bởi lẽ, các đặc tính kỹ thuật, các quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm khá phức tạp, để đi đến quyết định mua bảo hiểm, khách hàng cần được tư vấn cụ thể.

Để loại hình này phát triển hơn nữa trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã lên kế hoạch cho việc phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng tổ chức đào tạo cán bộ bán hàng tại chính các cơ sở địa phương.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c200n21125/ngan-hang-va-bao-hiem-bat-tay-cung-phat-trien.htm