Ngân hàng Trung ương Indonesia 'ra tay' khi đồng rupiah suy yếu

Ngày 16/4, Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết đã can thiệp để hỗ trợ đồng rupiah sau khi đồng tiền này suy yếu xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại ở ngưỡng 16.000 rupiah đổi 1 USD.

Đồng rupiah ngày 16/4/2024 giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 4/2020. Ảnh: Business Times

Theo hãng tin Bloomberg, đồng rupiah của Indonesia ngày 16/4 đã giảm tới 1,6% xuống còn 16.108 rupiah đổi 1 USD – mức suy yếu nhất kể từ tháng 4/2020 trong bối cảnh thị trường mở cửa trở lại sau khi đóng cửa từ ngày 8/4 trước đó để đón lễ Eid-al-Fitr của người Hồi giáo.

So với đồng tiền của Singapore, đồng rupiah giảm 0,9% xuống 11.830 rupiah đổi một SGD vào lúc 11h31 sáng ngày 16/4 theo giờ địa phương. Tính từ đầu năm 2024, đồng tiền của Indonesia đã suy yếu khoảng 1,3% so với đồng SGD. Sự sụt giảm của đồng rupiah gây thêm áp lực lên ngân hàng trung ương Indonesia trong việc duy trì sự ổn định của đồng tiền trong bối cảnh đồng USD tăng giá liên tục và dòng vốn nước ngoài chảy ra ngoài.

Do đó trong một tuyên bố được hãng tin Reuters trích dẫn ngày 16/4, người đứng đầu bộ phận tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Indonesia Edi Susiato cho biết: “Ngân hàng Trung ương đang thực hiện các bước nhằm duy trì sự ổn định của đồng rupiah bằng cách duy trì cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối, thông qua ba biện pháp can thiệp”.

Cơ quan này cho biết tiến hành can thiệp chủ yếu vào thị trường giao ngay và thị trường kỳ hạn không giao hàng trong nước, đồng thời đồng thời tăng cường sức hấp dẫn của tài sản bằng đồng rupiah.

Nhận định về nguyên nhân đồng rupiah giảm, ông cho biết các yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất là tâm lý e ngại rủi ro và đồng USD tăng giá. Cụ thể, chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng rưỡi so với các đồng tiền lớn khác khi công cụ FedWatch của CME dự đoán khả năng Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 6 giảm xuống 26% từ ngưỡng 50,8% được dự đoán trước đó.

Ngoài ra, tình trạng lạm phát ở Indonesia cũng là một yếu tố khiến đồng rupiah suy yếu, do lạm phát cao hơn thường gây ra tình trạng bán tháo đồng rupiah, dẫn đến sức mua yếu hơn và tâm lý suy giảm. Theo cơ quan thống kê Indonesia, lạm phát hàng năm của nước này đạt 3,05% trong tháng 3 vừa qua, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích và cao hơn tỷ lệ 2,75% của tháng 2 trước đó.

Trong bối cảnh đó, một số nhà quan sát thị trường suy đoán việc tăng lãi suất có thể được đưa ra thảo luận tại cuộc họp ngày 24/4 của Ngân hàng Trung ương Indonesia. Hồi tháng 10/2023, cơ quan này đã bất ngờ tăng lãi suất sau đợt suy yếu tiền tệ kéo dài.

Theo Nikkei Asia dẫn lời các nhà kinh tế tại Bank Danamon của Indonesia ngày 2/4, sự mất giá của đồng rupiah trong năm nay "nhẹ nhàng hơn so với các đồng tiền ngang hàng" vì Indonesia "vẫn mang lại lợi suất thực cạnh tranh cho thị trường trái phiếu, cao hơn so với Philippines, Malaysia và Thái Lan”.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã hạ thấp triển vọng đối với đồng rupiah trong năm 2024 khi đưa ra dự báo tỷ giá hối đoái trung bình là 15.390 rupiah cho mỗi USD, giảm so với dự đoán trước đó là 14.901 rupiah cho mỗi USD.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ngan-hang-trung-uong-indonesia-ra-tay-khi-dong-rupiah-suy-yeu-post33757.html