Ngân hàng 'trong lòng bàn tay'

Với công nghệ smartphone phổ biến trên thị trường điện thoại hiện nay, việc áp dụng mã QR Code vào các điểm bán hàng để thanh toán trực tuyến bằng điện thoại là hoàn toàn khả thi.

Thẻ ngân hàng phi vật lý

Hãng sản xuất điện thoại Samsung vừa truyền thông chức năng thanh toán trực tuyến (Samsung Pay) với khả năng tích hợp các dòng điện thoại đời mới, những chiếc Iphone 8 trở lên cũng có tính năng tương tự. Trước đó, ứng dụng MoCa, Zalo… đã có các ứng dụng trên App Store và Google Play cho người dùng tải miễn phí xuống điện thoại để tích hợp mọi thông tin thẻ tín dụng, thẻ ATM… Theo đó, người thanh toán chỉ cần cầm chiếc điện thoại quẹt (thẻ phi vật lý) vào các mã phản hồi nhanh (mã QR Code) tại các điểm bán hàng hóa, dịch vụ mà không cần đưa chiếc thẻ ngân hàng ra quẹt vào máy cà thẻ POS.

Dịch vụ tích hợp nhiều loại thẻ vào điện thoại đang tạo ra nhiều tiện ích cho người dùng thanh toán trực tuyến

Những ứng dụng như MoCa hiện có thể tích hợp vào điện thoại thẻ quốc tế visa, thẻ của Vietcombank, HDBank, OCB… mà người dùng không cần cầm một nắm thẻ trên tay. Trên thị trường các loại ví điện tử như Momo, Payou… cũng đang tham gia làm trung gian thanh toán trực tuyến. Mặc dù sức vươn của các công ty công nghệ (fintech) cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán đang vươn ra khắp nơi, thế nhưng, đến nay các công cụ thanh toán điện tử này được người dân biết đến không nhiều, chỉ một lượng nhất định khách hàng trẻ, giới văn phòng dùng những công cụ trung gian thanh toán này trả những món tiền nhỏ lẻ như mua thẻ cào điện thoại, truyền hình cáp, tiền điện, tiền nước…

Theo số liệu thống kê của NHNN, với hơn 20 công ty fintech tham gia trung gian thanh toán đã được cấp phép đang cung ứng ra thị trường 10 hình thức thanh toán trực tuyến. Mỗi hình thức thanh toán trực tuyến ghi nhận hàng chục triệu lượt người tham gia nhưng thực tế số giao dịch thực không bao nhiêu. Báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy, có ít nhất 5 công ty fintech lỗ nặng, một số công ty fintech tham gia thanh toán trực tuyến lỗ liên tiếp trong 3-5 năm qua. Nguyên do chi phí từ phía ngân hàng phát hành thẻ và chi phí từ nhà bán hàng hóa, dịch vụ chia sẻ lại cho các công ty fintech thu không đủ bù chi.

Thông tư 39/2014/TT-NHNN quy định dịch vụ ví điện tử cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do tổ chức cung ứng tạo lập bằng chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính… cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hay nói cách khác là chủ tài khoản ngân hàng nạp 1 đồng vào ví điện tử thì nhà cung ứng ví phải đóng lại 1 đồng cho ngân hàng. Theo đó, công ty trung gian thanh toán được ngân hàng chia cho một phần phí phát hành và duy trì thẻ, cộng với một phần phí của DN bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.

“Mã phản hồi nhanh”, một giải pháp phi tiền mặt

Thực tế, sự xuất hiện của các công ty fintech tham gia thanh toán trực tuyến thì nhiều nhưng cũng mới chỉ làm dịch vụ liên kết với ngân hàng, bởi bản thân các công ty fintech không được phép huy động vốn ngoài xã hội. Tương tự như công ty chứng khoán hiện nay không được phép thu tiền của nhà đầu tư trên sàn, mà phải thông qua tài khoản ngân hàng để mua bán chứng khoán. Một số quan điểm cho rằng, nên có một nhà bảo lãnh cho các công ty fintech tham gia thanh toán trực tuyến để bảo vệ lợi ích người thanh toán trực tuyến.

Bên cạnh đó, hướng tới các ngân hàng sẽ ủy thác từng phần cho các công ty fintech thanh toán những khoản giải ngân vốn vay, dự án đầu tư với ngân hàng. Tuy nhiên, dịch vụ thanh toán của ngân hàng luôn khép kín với các dịch vụ khác từ tiền gửi, tiền vay, bảo lãnh, chi trả tiền lương, tiền công… như một hình thức tài khoản tập trung để giảm chi phí lãi vay.

Việc áp dụng mã QR Code tại các điểm bán hàng sẽ tích hợp tốt hơn công nghệ thanh toán trực tuyến của ngân hàng

Với rất nhiều hình thức thanh toán trực tuyến, không thể phủ nhận sự tham gia của các công ty fintech sẽ cùng với hệ thống ngân hàng xây dựng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Nguyên do, chi phí vận hành bộ máy và hạ tầng công nghệ thông tin các ngân hàng sẽ phải đầu tư lớn hơn, trong khi các công ty fintech với thế mạnh công nghệ và tham gia những ứng dụng sẽ phủ sóng tốt hơn đến người dân không dùng tiền mặt. Nếu chỉ có công ty fintech và ngân hàng cung ứng dịch vụ cũng như chưa thể khuyến khích các nhà bán hàng chấp nhận thanh toán phi tiền mặt.

Theo đó, cần cơ chế phổ biến áp dụng mã QR Code tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, để những ứng dụng của Samsung Pay, Apple Pay, MoCaPay có thể thanh toán trực tuyến mọi giao dịch. Theo đó, quán cà phê, cơm trưa văn phòng, tiệm hớt tóc gội đầu, cửa hàng tạp hóa… bên cạnh áp dụng mã vạch kiểm định hàng hóa bán lẻ, nên sử dụng mã QR Code dán lên mặt bàn hoặc một điểm nào đó trong quán tiện lợi nhất để thực khách dùng sản phẩm, có thể đưa chiếc điện thoại đã tích hợp sẵn thẻ ngân hàng quét vào mã phản hồi nhanh thanh toán.

Thực tế, những sản phẩm hàng hóa bao giờ nhà sản xuất cũng in mã vạch lên bao bì sản phẩm mới cho lưu thông ra thị trường, các nhà bán lẻ như siêu thị, cửa hàng dựa vào mã vạch đó để quản lý danh mục sản phẩm bán lẻ. Đối với sản phẩm là thực phẩm, đồ uống pha chế tại chỗ, người bán chỉ cần dán mã QR Code lên thực đơn theo bảng giá dịch vụ niêm yết là lập tức thanh toán trực tuyến dễ dàng tiện lợi.

Việt Nam hiện có hơn 33 triệu người dùng sử dụng internet hàng ngày, từ một chị bán trà đá, đến trung tâm thương mại đều cung cấp miễn phí internet wifi, ở quảng trường, trung tâm đô thị lớn các nhà cung ứng còn phủ sóng miễn phí wifi công cộng… Đặc biệt, các dịch vụ giao hàng, xe hợp đồng như Uber, Grab,  hiện nay cũng đã tích hợp thanh toán trực tuyến qua điện thoại. Với công nghệ smartphone phổ biến trên thị trường điện thoại hiện nay, việc áp dụng mã QR Code vào các điểm bán hàng để thanh toán trực tuyến bằng điện thoại là hoàn toàn khả thi.

Theo đó, cần có cơ chế giảm thuế, phí cho những người buôn bán hàng hóa, dịch vụ thực phẩm đồ uống. Đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn có lượng luân chuyển hàng hóa lớn nên có cơ chế hỗ trợ cho các siêu thị, trung tâm thương mại chi phí dán mã QR Code để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, những đơn vị bán lẻ hàng hóa nào không áp dụng mã QR Code thanh toán trực tuyến sẽ mất khách, nếu cứ yêu cầu chi trả bằng tiền mặt. Khi đó nguồn vốn toàn xã hội sẽ tập trung trên hệ thống tài chính tạo ra chi phí thấp và mặt bằng lãi suất thấp cho xã hội.

Hải Nam

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-trong-long-ban-tay-68506.html