Ngân hàng Nhà nước chưa “tròn vai“?

“Tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng, việc giải quyết thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững là nhiệm vụ và cũng là quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

TIN LIÊN QUAN
Ngân hàng có thực sự là bạn đồng hành của doanh nghiệp? Sự "ương bướng" của lãi suất? NHNN hạ lãi suất và nới tín dụng, “thuốc” có đúng liều?

Vì Ngân hàng Trung ương có nguồn tín dụng không phải trả lãi suất cho ai cả nên họ có thể cho ngân hàng thương mại (NHTM) vay với lãi suất thấp để NHTM có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý. Việc này tất cả các NHNN trên thế giới đều làm nếu xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng” – chuyên gia kinh tế nổi tiếng người Mỹ gốc Việt Bùi Kiến Thành chia sẻ với báo giới.

Ông Bùi Kiến Thành.

Theo quan điểm của ông Thành, NHNN nên sớm thực hiện vai trò này của mình để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, theo tinh thần của Nghị quyết 11, và đặc biệt là Điều 3 "Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu…".

Luật NHNN cho phép NHNN thực hiện vai trò điều phối của mình. Theo Điều 10 Luật NHNN: "Thống đốc NHNN quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất...". Còn theo Điều 11 Mục 2 NHNN quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây: cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá; chiết khấu giấy tờ có giá; các hình thức tái cấp vốn khác.

Căn cứ vào các điều khoản trên, NHNN có thể cho NHTM vay theo lãi suất do Thống đốc NHNN quyết định, có thể là 3, 4 hay 5%/năm để NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 10%/năm. Như vậy, sẽ không phải chờ NHTM hạ lãi suất huy động. Việc giải quyết thanh khoản không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn trong nhân dân mà còn từ nguồn tín dụng của NHNN.

NHNN có thể chọn một trong 3 hình thức quy định ở Mục 2, Điều 11 và đặc biệt là hình thức (c) "Các hình thức khác" do NHNN tự thiết lập. Căn cứ vào điểm (c) này, NHNN có thể thiết lập một "Chương trình tái cấp vốn đặc biệt", ưu tiên cho "Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu…".

Nếu NHNN nhận thấy Điều 10 và Điều 11 của Luật NHNN năm 2010 chưa cho mình đủ quyền hạn, họ vẫn có thể đề nghị với Chính phủ trình ra Quốc hội để xin bổ sung, mở rộng quyền hạn.

Điều đáng nói, chương trình tái cấp vốn sẽ không gây ra lạm phát vì chỉ được triển khai trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đã được Nghị quyết 11 quy định. Tác động gián tiếp của nó sẽ là kéo lãi suất huy động xuống, vì NHTM sẽ bớt bị áp lực trong nhu cầu huy động vốn. Tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và lãi suất sẽ được khắc phục. Hoạt động kinh tế dần dần sẽ trở lại ổn định và số vốn vay từ chương trình tín dụng đặc biệt này sẽ được hoàn trả cho NHNN.

“Chúng tôi kiến nghị lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp phải dưới 10%/năm, đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Có như vậy mới cạnh tranh được với các nước. Với độ mở của nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp tại các quốc gia khác, mà ở đó, chính sách tiền tệ không như ở nước ta. Với lãi suất 16-27%/năm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với doanh nghiệp ở các nước có lãi suất 4 - 5%/năm”? – ông Bùi Kiến Thành nêu vấn đề.

“Những tín hiệu từ Chính phủ vừa qua là rất tích cực. Về lãi suất, mỗi quý giảm lãi suất huy động xuống 1% là một tin đáng mừng. Nhưng, Việt Nam hiện có hàng vạn doanh nghiêp đang "cháy" vì khát vốn, hàng triệu người lao động đang có nguy cơ mất việc. Có nghĩa là kinh tế vĩ mô đang trên đà mất ổn định, an sinh xã hội sẽ khó được bảo đảm. Tôi nhất trí rằng, chữa bệnh thì phải chữa tận gốc, nhưng các bác sĩ cũng cần phải có phương án cấp cứu để người bệnh hồi phục tạm thời trước khi tiếp tục đưa ra những giải pháp chữa trị lâu dài” – ông Thành nói.

PV (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-noi/201204/Ngan-hang-Nha-nuoc-chua-tron-vai-2065973/