Ngân hàng ngừng giải ngân dự án BOT nghìn tỷ dở dang

Được xác định là tuyến đường huyết mạch, nhằm kết nối hành lang vận tải Hà Nội – Tây Bắc, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhưng sau nhiều năm 'khởi động' Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình vẫn 'ì ạch'.

Dự án được thực hiện bởi liên danh 3 đơn vị là Tổng công ty 36, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội và Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc. Doanh nghiệp dự án Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình được thành lập theo giấy chứng nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.989 tỷ đồng trong đó, chi phí xây dựng công trình và thiết bị là hơn 1.480 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 490 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thành 31/8/2016 tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán 20/5/2017 dự án chưa hoàn thành. Việc dự án chậm tiến độ được chỉ ra do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm, thậm chí đến thời điểm kiểm toán vẫn còn 1 số vị trí chưa bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư.

Khó khăn về vốn cũng khiến dự án chậm tiến độ, ngân hàng đã ngừng cấp tín dụng giải ngân các gói thầu xây lắp của dự án từ thời điểm tháng 9/2016 đến thời điểm kiểm toán vì hợp đồng BOT, thời điểm 31/8/2016 là thời điểm kết thúc quá trình xây dựng dự án, từ tháng 9/2016 dự án hoàn thành khai thác thu phí hoàn vốn toàn tuyến ở cả 2 trạm thu phí Xuân Mai - Hòa Bình và Hòa Lạc - Hòa Bình.

Kiểm toán cũng cho biết, nguồn vốn vay thương mại không đáp ứng nhu cầu vốn của dự án, hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng SHB và doanh nghiệp cho vay tối đa 1.999 tỷ đồng đạt 77,6% so với nhu cầu vốn vay trên phương án tài chính của hợp đồng BOT.

Báo cáo kiểm toán cho thấy, hầu hết các khoản chi phí như chi phí xây lắp và thiết bị, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí quản lý dự án và các chi phí khác đều có sự chênh lệch trong đó chủ yếu là chi phí xây lắp và thiết bị với số chênh lệch hơn 28 tỷ đồng.

Tổng cộng chi phí đầu tư đã chênh đến gần 37,6 tỷ đồng vì số kiểm toán trước thuế VAT là 635 tỷ đồng trong khi số báo cáo trước thuế VAT lên đến hơn 1.390 tỷ đồng.

Trước đó, đối với dự án này Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO) được UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình chọn làm Nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BT trên cơ sở các Công văn số 475/TTg-CN và 2125/VPCP-KTN của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai dự án, do biến động của thị trường BĐS, quỹ đất dự án đối ứng cho Dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình của cả tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội đều không đáp ứng trả cho Nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường.

Theo một diễn biến mới đây, tại cuộc họp tháng 7/2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan của Bộ như Vụ Tài chính, Vụ Đối tác công tư khẩn trương đánh giá lại dự án cũng như cùng với nhà đầu tư đánh giá và tính toán lại các phương án tài chính và báo cáo lại lãnh đạo Bộ vào 31/7. Để có vốn tiếp tục giải ngân cho dự án, Bộ trưởng đề nghị các Nhà đầu tư trước hết cần thực hiện đầy đủ trách nhiêm của mình trong đóng góp vốn chủ sở hữu, bên cạnh đó tiếp tục phối hợp với ngân hàng SHB tháo gỡ các vướng mắc khó khăn.

Một dự án được xác định là trọng điểm, nhưng được đầu tư theo kiểu “ngẫu hứng” không có kế hoạch đảm bảo vốn, là nguyên nhân chính dẫn tới việc dự án bị chậm tiến độ. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm dự án trải dài trên cả nước, phải chịu chung số phận lo vốn, chạy vốn hàng năm. Với tình trạng đầu tư dự án kiểu này, đã gián tiếp làm thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nhiều hệ lụy khác kéo theo.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ngan-hang-ngung-giai-ngan-du-an-bot-nghin-ty-do-dang-212731.htm