Ngân hàng LPBank (LPB) có bị ảnh hưởng nếu Phòng giao dịch Bưu điện không được nhận tiền gửi?

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tư mới quy định hoạt động của các Phòng giao dịch Bưu điện thuộc Ngân hàng LPBank (mã cổ phiếu LPB) trong trường hợp VNPost không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này.

Phòng giao dịch Bưu điện có thể không được nhận tiền gửi

Các phòng giao dịch bưu điện được xem là một trong những lợi thế cạnh tranh kinh doanh lớn nhất của Ngân hàng LPBank.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 11/2023/TT-NHNN (Thông tư số 11) có nội dung sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 43/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 (Thông tư số 43) về tổ chức và hoạt động của Phòng giao dịch Bưu điện trực thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu LPB – sàn HoSE). Thông tư 11 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2023.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 7 như sau:

“3. Sau 07 ngày làm việc kể từ ngày Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Phòng giao dịch Bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm.

Việc xử lý các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó của phòng giao dịch bưu điện khi không thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau:

a) Các khoản tiền gửi tiết kiệm chưa đến hạn trả, phòng giao dịch bưu điện tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã thỏa thuận với khách hàng;

b) Các khoản tiền gửi tiết kiệm đến hạn trả, phòng giao dịch bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt tiếp nhận, xử lý theo quy định nội bộ, quy định của pháp luật về tiền gửi tiết kiệm và chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện.”

Thông tư số 11 cũng quy định, sau thời điểm Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của Ngân hàng LPBank, chậm nhất ngày 15 hàng tháng, Ngân hàng LPBank báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện tình hình xử lý tiền gửi tiết kiệm của từng phòng giao dịch bưu điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đến thời điểm hiện nay, VNPost đang sở hữu 8,13% cổ phần của Ngân hàng LPBank. Hồi tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận đề nghị của Ngân hàng LPBank về việc chuyển nhượng toàn bộ 140,5 triệu cổ phiếu LPB do VNPost sở hữu. Văn bản chấp thuận này có giá trị thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ ngày ký.

Tuy nhiên, đến nay việc thoái vốn này vẫn chưa thành công. Cụ thể, vào ngày 21/4/2023, VNPost đã tổ chức đấu giá số cổ phần nói trên với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu LPB. Nhưng đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc vẫn không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua số cổ phần này.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên VNPost muốn thoái toán bộ vốn tại Ngân hàng LPBank. Hồi đầu năm 2022, VNPost đã tiến hành bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 28.930 đồng/cổ phiếu nhưng chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước đấu thành công 800 cổ phiếu LPB.

Trước đó, từ năm 2011, VNPost chính thức ký hợp tác với Ngân hàng TMCP Liên Việt trong thời gian 50 năm và hình thành nên Ngân hàng LPBank hiện nay.

Xem thêm: "Ngân hàng Sacombank (STB) có thể gặp khó khi Bamboo Airways lỗ kỷ lục" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng LPBank có bị ảnh hưởng?

Ngân hàng LPBank hiện là ngân hàng có mạng lưới lớn hàng đầu trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam với hơn 1.200 điểm giao dịch trên toàn quốc; trong đó, một lượng lớn các điểm giao dịch này là phòng giao dịch bưu điện. Các phòng giao dịch bưu điện này từ lâu đã được xem là một trong những lợi thế cạnh tranh kinh doanh lớn nhất của Ngân hàng LPBank, cũng như giúp việc nhận diện thương hiệu của ngân hàng này thuận lợi.

Nhờ có mạng lưới chi nhánh rộng khắp, tiền gửi của Ngân hàng LPBank tính đến cuối quý 2/2023 đã tăng 7,4% so với thời điểm đầu năm, vượt trội so với mức tăng 3,2% tổng vốn trong cùng kỳ của ngân hàng này.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu LPB của Ngân hàng LPBank kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra hồi cuối tháng 4/2023, trước các lo ngại của cổ đông về việc VNPost thoái vốn dưới mức 5% vốn điều lệ thì ngân hàng sẽ đánh mất lợi thế phòng giao dịch bưu điện, ông Bùi Thái Hà – Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LPBank khẳng định việc thoái vốn của VNPost sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa hai bên bởi hợp đồng hợp tác giữa ngân hàng LPBank và VNPost được ký ngày 23/6/2011 có thời hạn 50 năm.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 7/9, cổ phiếu LPB đạt 16.150 đồng/cổ phiếu – vùng giá cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn tới 41% so với mức giá chào đấu giá của VNPost hồi tháng 4 vừa qua.

Ngân hàng LPBank và VNPost cho biết sẽ bảo đảm tuân thủ tuyệt đối quy định của Thông tư 43, Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước, pháp luật Việt Nam. Trong mọi trường hợp, quyền lợi của khách hàng luôn được đặt ở vị trí cao nhất và được bảo đảm tuyệt đối.

Ở thời điểm hiện tại, mọi hoạt động Tiết kiệm Bưu điện, tài chính, tín dụng khác vẫn đang diễn ra bình thường tại các điểm giao dịch của Bưu điện Việt Nam trên toàn quốc. Do đó, khách hàng hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các giao dịch gửi tiền, vay hưu trí, chuyển tiền, rút tiền tại Bưu điện.

Việc thoái vốn khỏi Ngân hàng LPBank của VNPost được thực hiện theo lộ trình và các quy định của nhà nước về đấu giá trên thị trường chứng khoán, nếu thành công cũng sẽ không gây ra bất kỳ sự ảnh hưởng nào đến quyền lợi của khách hàng đang sử dụng các dịch vụ do Ngân hàng cung cấp qua mạng lưới Bưu điện.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ngan-hang-lpbank-lpb-co-bi-anh-huong-neu-phong-giao-dich-buu-dien-khong-duoc-nhan-tien-gui-110361.htm