Ngân hàng dồn lực thực hiện tham vọng quán quân tiền gửi không kỳ hạn

Sau 2 năm bị MB soán ngôi 'vua' tiền gửi không kỳ hạn (CASA), Techcombank không giấu diếm tham vọng dành lại ngôi quán quân CASA. Cuộc rượt đuổi gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đang ngày càng trở nên gay cấn trong hệ thống ngân hàng.

Cuộc rượt đuổi sát sao

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi thế về vốn giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) quý 1 tiếp tục tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Cuộc rượt đuổi vị trí CASA giữa các ngân hàng ngày càng sát sao

Tại ĐHCĐ năm 2024 mới đây, Techcombank cũng không giấu diếm tham vọng trở lại vị thế "vua CASA" khi tiền gửi không kỳ hạn tăng 30% trong nửa cuối năm 2023 và hiện đạt gần 40% (vị trí "vua CASA" năm 2022 và 2023 thuộc về MBBank). Kết thúc năm 2025, Techcombank đạt mục tiêu tăng tỷ lệ CASA lên 55%, tạo tiền đề cho việc huy động vốn với mức phí ưu, cùng dư địa mở rộng cho vay.

Cụ thể, tiếp nối đà tăng trưởng từ cuối 2023, Techcombank ghi nhận kết quả tích cực tại quý đầu năm 2024. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 32% và 39% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi thu nhập lãi, phí và các hoạt động khác tăng trưởng ấn tượng, đồng thời duy trì quản trị chi phí chặt chẽ. Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng tiếp tục cao hơn thị trường, biên lãi thuần (NIM) cải thiện, và số dư CASA tiếp tục tăng khoảng 2% từ đầu năm, trên mức nền cao tại cuối 2023.

Tại thời điểm cuối quý 1/2024, tổng tài sản của Techcombank tăng 4,3% so với cuối 2023 lên mức 885,7 nghìn tỷ đồng. Tính riêng Ngân hàng mẹ, tín dụng tăng trưởng 6,4% so với đầu năm lên ngưỡng 563,9 nghìn tỷ, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước. Trong đó đáng chú ý, dư nợ ngoài ngành bất động sản của Techcombank tăng tới 38%, phản ánh nỗ lực đa dạng hóa danh mục tín dụng của nhà băng này.

Tiền gửi khách hàng của Techcombank tăng trưởng ấn tượng 18,3% so với cùng kỳ và ổn định so với đầu năm, đạt 458 nghìn tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 49,4% so với cùng kỳ và 2% so với cuối năm 2023, giúp tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi tăng lên mức 40,5%, mức cao nhất hệ thống ngân hàng, trong khi đối thủ cạnh tranh ngôi vương CASA với Techcombank ghi nhận mức tỷ lệ CASA giảm xuống 36,6%. Động lực tăng trưởng CASA được củng cố thông qua những định vị giá trị độc đáo được ra mắt trong quý như tính năng “Sinh lời tự động” và nền tảng khách hàng thân thiết Techcombank Rewards.

Hai năm gần đây, cuộc rượt đuổi CASA ngân hàng ngày càng gay cấn. Năm 2022, Ngân hàng Quân Đội (MB) đã soán ngôi Techcombank để trở thành quán quân CASA. Theo đó, đến cuối 2022, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt hơn 180 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 40% trên tổng huy động vốn, là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống tính đến thời điểm này (vượt qua cả Techcombank do năm 2022 Techcombank giảm mạnh CASA về còn 37%).

Năm 2023, MB tiếp tục duy trì phong độ khi tỉ lệ CASA ổn định ở mức cao. Năm 2023 đạt khoảng 40,1%, tăng hơn 3% so với năm 2022. Tiền gửi của khách hàng đạt 569.640 tỉ đồng, tăng 27,3% so với năm 2022.

Một ngân hàng tầm trung khác là Ngân hàng Hàng hải (MSB) cũng vừa công bố tỷ lệ CASA quý 1/2024 với con số hàng top. Ước tính kết thúc quý I/2024, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi của của MSB đạt khoảng 29%. Chỉ số này tăng 3 điểm % so với thời điểm cuối năm 2023, được kỳ vọng là dấu mốc cho sự tăng ổn định trở lại sau năm 2023 biến động.

Trong 5 năm trở lại đây, chỉ số này của MSB luôn ghi nhận ở mức hiệu quả, thuộc top đầu ngân hàng sở hữu CASA/tổng tiền gửi cao nhất ngành. Năm 2023, MSB đứng thứ 4 thị trường với kết quả 26,54%, tương đương hơn 35.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Tỷ trọng CASA đến từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) – tệp khách hàng chiến lược của MSB – lần lượt đạt mức tăng trưởng 27,7% và 29,2% so với năm 2022.

Số hóa thúc đẩy CASA

Theo lãnh đạo Techcombank, ngân hàng tập trung vào ba nhu cầu quan trọng của khách hàng là nhu cầu giao dịch, nhu cầu vay vốn và nhu cầu đầu tư. Khi khách hàng hài lòng, tin tưởng sử dụng các dịch vụ thanh toán, sản phẩm tín dụng và đầu tư tại Techcombank, tài khoản giao dịch tại Techcombank sẽ trở thành tài khoản giao dịch chính và tiền sẽ thường xuyên xoay vòng qua đây. Tiền đứng yên là tiền gửi có kỳ hạn, còn tiền xoay vòng liên tục chính là CASA.

Cùng với đó, nhà băng này cũng đứng đầu về tiên phong số hóa, nhằm mang lại trải nghiệm khách hàng và chất lượng dịch vụ vượt trội – một yếu tố then chốt thúc đẩy CASA. Vào tháng 1 năm 2024, Techcombank một lần nữa khẳng định vị thế tiên phong trong ngành ngân hàng, với việc ra mắt sản phẩm đột phá mang tên Auto Earning.

Sản phẩm được thiết kế nhằm giúp khách hàng tối ưu hóa lượng tiền nhàn rỗi và nhận được lãi suất hấp dẫn. Điểm khác biệt của Auto-Earning nằm ở sự đơn giản, tiện lợi, và tiết kiệm thời gian cho khách hàng, khi người dùng chỉ cần kích hoạt chế độ “tự động sinh lời” trên ứng dụng Techcombank Mobile. Nhờ vậy, Auto Earning dự kiến sẽ là trợ thủ đắc lực cho khách hàng trong hành trình tài chính, từ đó giúp Techcombank gia tăng gắn kết khách hàng, gián tiếp cải thiện số dư CASA.

Năm 2022 là năm đầu tiên MB soán ngôi CASA Techcombank. Theo lãnh đạo MB, năm 2022 là một năm rất thành công của MB về chuyển đổi số. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng giữ được CASA ở mức cao. Cụ thể, Ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số hóa toàn diện tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh ngân hàng số, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái khách hàng trên 2 nền tảng App MBBank và BIZ MBBank, lũy kế đạt 20 triệu khách hàng, tăng 54% so với 2021. Ngân hàng kỳ vọng năm 2023 sẽ đạt lũy kế 27 triệu khách hàng, tức phục vụ được gần 1/3 dân số Việt Nam.

Năm 2023, hoạt động thẻ của MB cũng có những chuyển mình ấn tượng bằng việc liên tục ra mắt các dòng sản phẩm thẻ mới như Hi ShopeeFood, Hi Slay-dy, Vòng tay thanh toán MB Stellar, Hi Sky Card… Đây là những sản phẩm nổi bật trong bộ sưu tập thẻ Hi Collection của MB đã gây bão suốt thời gian vừa qua vì ngoại hình nổi bật, tính năng thẻ 2-in-1 dẫn đầu xu hướng và việc đăng kí mở thẻ hết sức đơn giản và nhanh chóng ngay trên App MB.

Tại MSB, sự phân bổ nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn giữa các tệp khách hàng cá nhân, doanh nghiệp lớn và SME có sự chuyển biến tích cực theo đúng định hướng chiến lược của MSB. Tỷ lệ CASA cao tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường. Thực tế, NIM của MSB tăng trưởng liên tục trong 4 năm từ 2019 – 2022. Riêng năm 2023, do biến động lãi suất của thị trường, NIM ngân hàng giảm nhẹ, nhưng vẫn đạt mức gần 4%.

Đại diện Ngân hàng cho biết, MSB mong muốn phục vụ đa dạng, đầy đủ và toàn diện nhu cầu tài chính của các phân khúc mục tiêu, từ giao dịch, vay vốn tới đầu tư với nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. “Sự tin tưởng, hài lòng của người dùng sẽ tạo cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng CASA. Nói cách khác, MSB đang nỗ lực để trở thành ngân hàng giao dịch chính và lâu bền của khách hàng”, đại diện MSB chia sẻ.

Tỷ lệ CASA hiệu quả phản ánh tính “thuận ích” (thuận tiện và lợi ích hài hòa) của chuỗi sản phẩm – dịch vụ MSB. Ngân hàng phân chia khách hàng theo từng phân khúc với sự thấu hiểu sâu sắc nhu cầu riêng biệt của tệp khách hàng mục tiêu, từ đó, đưa ra chuỗi giải pháp phù hợp, bao gồm tài khoản, tiết kiệm, thẻ tín dụng, vay thế chấp, vay tín chấp... Khi sử dụng một sản phẩm, khách hàng có thể kết nối với sản phẩm, dịch vụ khác và nhận nhiều giá trị tăng thêm.

Nha Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-don-luc-thuc-hien-tham-vong-quan-quan-tien-gui-khong-ky-han.html