Ngân hàng đã đáp ứng yêu cầu theo Thông tư 13?

(NDHMoney) Một câu hỏi mà nhiều người đang quan tâm hiện nay là tất cả các ngân hàng đã sẵn sàng đáp ứng yên cầu Thông tư 13?

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Đức Long >> Hà Nội: 10/12 ngân hàng thương mại cổ phần đạt yêu cầu tỷ lệ CAR 9% Ngân hàng Nhà nước đã trình lên Thủ tướng bản báo cáo về hướng sửa đổi Thông tư 13. Nếu theo đúng lộ trình thì chỉ còn vài ngày nữa là các tổ chức tín dụng bắt buộc thực hiện theo nội dung của Thông tư 13 (1/10/2010). Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau liên quan đến hướng sửa đổi thông tư này. Gấp rút chuẩn bị Các ngân hàng một mặt gấp rút chuẩn bị triển khai quy chuẩn mới, song một số đơn vị vẫn thắc thỏm hướng về Ngân hàng Nhà nước với kỳ vọng được nới lỏng thời gian hoặc điều kiện áp dụng. Đa số ngân hàng đã sẵn sàng nhưng một số ngân hàng vẫn kêu khó khi đáp ứng yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) từ 8% lên 9% trong Thông tư 13. Đặc biệt, việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động USD và vàng trong những ngày vừa qua cũng được cho là để "chạy" yêu cầu về tỷ lệ 9% theo Thông tư 13. Tại Việt Nam, nếu tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng dựa trên các báo cáo thường niên năm 2009, thì một số ngân hàng thương mại cổ phần lại có chỉ số CAR cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh. Đang dẫn đầu với tỷ lệ 26,8% là Eximbank, tiếp theo là DongA Bank với 15,8%, HDBank với 15,6%, MB 12%, Sacombank 11,4%... Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, về cơ bản, ACB đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để triển khai Thông tư 13. Để nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9%/năm theo quy định mới, ACB đã thông qua phương án tăng vốn, phát hành trái phiếu. Nguồn cung vốn có thể bị co hẹp lại do quy định tín dụng không vượt quá 80% nguồn vốn huy động, song theo ông Toại cũng không đến mức đáng lo ngại. Habubank cũng vừa công bố phát hành thành công 1.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ cho các tổ chức hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Mục đích của đợt phát hành này nhằm huy động vốn dài hạn để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tới. Điều đặc biệt là số lượng ngân hàng thương mại quốc doanh không đạt chỉ tiêu này chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng điều đáng nói là các ngân hàng trên đang chiếm khoảng 50% thị phần ngân hàng. Vài tháng gần đây chỉ có VietinBank và Vietcombank được Chính phủ chấp thuận tăng vốn, còn BIDV và Agribank thì chưa có động thái gì sau đợt tăng vốn khiêm tốn đầu năm. Chính vì vậy, việc xin ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ đối với 2 ngân hàng này để tăng được hệ số CAR xem ra không khả thi trong thời điểm này. Việc kêu gọi đối tác chiến lược với những ngân hàng này xem như cũng đang bế tắc. Cho đến nay mới chỉ có VietinBank coi như đã tìm được đối tác chiến lược là IFC và hai bên sẽ ký kết vào ngày 10/10 tới và có khả năng đến cuối năm VietinBank sẽ ký tiếp với đối tác thứ 2 là ngân hàng Nova Scotia của Canada. Một số ngân hàng quốc doanh còn lại đã nhiều năm đỏ mắt tìm kiếm nhưng vẫn đơn thương độc mã. Thực tế cho thấy tìm kiếm đối tác chiến lược là không dễ đối với các ngân hàng. Hiện tại, các ngân hàng thương mại vẫn còn phải loay hoay mới đáp ứng được những chuẩn mực về tỷ lệ an toàn vốn cũng như việc tăng vốn điều lệ và việc thực hiện này đang ảnh hưởng tới thị trường. Như vậy, để tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, thì trước mặt các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn là một chặng đường rất dài. An toàn phải được đặt lên hàng đầu Một số ý kiến cho rằng, với những quy định về an toàn vốn chuẩn bị có hiệu lực, áp lực về vốn của các ngân hàng thương mại là rất lớn và tỷ lệ này còn cao hơn cả chuẩn quốc tế Basell III vừa đưa ra vào ngày 12/9/2010. Tuy nhiên, bà Christine Shields, Trưởng bộ phận nghiên cứu rủi ro quốc gia của Ngân hàng Standard Chartered Bank cho rằng, theo thỏa ước mới của Ủy ban Basel, quy định về tỷ lệ dự phòng bảo toàn vốn được đưa ra nhằm đảm bảo các ngân hàng có thể hoạt động an toàn trên thị trường chứa đựng nhiều rủi ro. Số tiền này sẽ ngày càng lớn, khi thị trường trở nên rủi ro hơn. Vì vậy, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% sẽ tốt hơn cho thị trường Việt Nam. Còn theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng, nội dung của Thông tư 13 chưa yêu cầu về mức vốn tự có tối thiểu đủ để sẵn sàng bù đắp mức độ rủi ro thị trường (bao gồm rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro giá chứng khoán, những rủi ro thị trường khác…), và rủi ro hoạt động khác. Ngay từ Basel I sửa đổi (năm 1996), ngoài yêu cầu về mức vốn tự có tối thiểu đủ để sẵn sàng bù đắp rủi ro tín dụng, chuẩn mực quốc tế về an toàn vốn đã yêu cầu ngân hàng thương mại phải có mức vốn tự có tối thiểu để sẵn sàng bù đắp cho rủi ro thị trường. Bà Hương đưa ra chứng minh thời gian qua nhiều ngân hàng thương mại phải đối diện với rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Ví dụ, Ngân hàng Barings (Mỹ) đã bị phá sản vì rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Việt Nam cũng đã từng có trường hợp một ngân hàng thương mại lớn trong thời gian chưa đến 1 năm kinh doanh ngoại tệ đã để tổn thất hơn 500 tỷ đồng. Thời gian qua, trình độ quản trị kinh doanh, quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại đã tiến bộ rất nhiều. Tuy nhiên chưa thể nói quản trị kinh doanh, quản lý rủi ro của đa số các ngân hàng thương mại Việt Nam đã ở trình độ tốt hoặc đạt mức chuẩn quốc tế. Một số ngân hàng thương mại chưa xây dựng được hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đo lường rủi ro tín dụng; chưa đo lường được mức độ rủi ro lãi suất của bảng cân đối kế toán; chưa đo lường và giám sát tốt mức độ rủi ro thanh khoản. Vì vậy, theo bà Hương, không thể xét riêng lẻ một số quy định, nội dung cụ thể để đánh giá là yêu cầu chỉ số CAR đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam đã vượt trước cả chuẩn mực quốc tế tốt nhất về chỉ tiêu an toàn vốn và lộ trình thực hiện, trong khi còn có những yếu tố cơ bản khác chưa được tính. Còn theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, nếu như Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng Thông tư 13 đúng vào lịch trình và đúng kế hoạch thì có thể gây ra những hậu quả là áp lực vốn rất lớn về các chỉ tiêu an toàn các chỉ số khác như cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán, quy định về bảo lãnh thì các ngân hàng bắt buộc phải rà soát lại toàn bộ. Ông Nghĩa nhận định, trong một thời gian rất ngắn, để có thể thực hiện được thì công việc của các ngân hàng thương mại cũng khá là lớn, có những quy định có thể điều chỉnh nhưng cũng có những quy định phải có thời gian.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/dau-tu/tai-chinh-tien-te/tai-chinh-ngan-hang/_/-/journal_content/journal_content_INSTANCE_6Fvc/10136/302657