Ngân hàng chịu lỗ để đón đầu

(LĐ) - Nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài đã quen dùng thẻ ngân hàng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên ở trong nước hầu như chỉ dùng tiền mặt. Nguyên nhân vì hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và chưa có lợi cho cả người dùng thẻ lẫn đơn vị chấp nhận thẻ...

Thanh toán qua POS (point of sale) là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách sử dụng giao tiếp giữa thiết bị đọc thẻ (card reader), hay còn gọi là máy quẹt (cà) thẻ/ hoặc POS với thẻ ngân hàng. Qua đó, hệ thống tự động trích tiền từ tài khoản của người mua trả cho người bán tức thời. Sử dụng hình thức này chủ thẻ có thể thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ, rút tạm ứng tiền mặt tại bất kỳ điểm chấp nhận thẻ nào. Theo Ngân hàng Nhà nước, ước đến cuối năm 2010, số lượng thẻ phát hành trên phạm vi cả nước đạt khoảng 28,5 triệu thẻ, hơn 11.000 ATM và gần 50.000 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt. Chưa có số liệu chính thức về thống kê giao dịch của khách hàng cá nhân qua ATM và POS nhưng theo các NHTM thì chủ yếu là rút tiền mặt (80%-85%), còn thanh toán qua thẻ đạt chưa tới 5%. Theo quan sát đa phần người dân Việt Nam chỉ thanh toán bằng tiền mặt với tất cả các khoản mua hàng hóa và dịch vụ. Một chiếc ví to và đầy tiền là vật không thể thiếu của mọi người, nhất là các bà, các cô. Nguyên nhân hạn chế dùng POS Thanh toán qua thẻ là một hình thức giao dịch rất văn minh, tiện lợi. Ai cũng thừa nhận như vậy, nhưng tại sao hình thức này lại chưa phát triển tại Việt Nam? Thứ nhất do hạ tầng kỹ thuật, cụ thể là mạng lưới ATM và sự kết nối thanh toán thẻ qua POS của hệ thống ngân hàng chưa hoàn chỉnh. Cho đến nay cho dù hệ thống thanh toán thẻ của các NHTM trong nước đã liên thông (tuy chưa thật thông suốt), nhưng mới chỉ có 8 NHTM tham gia kết nối hệ thống các điểm chấp nhận thẻ trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này có nghĩa là nếu khách hàng sử dụng thẻ của 8 NH đã kết nối thì mới có thể sử dụng thông qua các máy quẹt thẻ lẫn nhau, còn thẻ của các NH khác thì chỉ được sử dụng thông qua POS của NH đó (ngoại trừ thẻ tín dụng quốc tế). Vì vậy, giả sử trong ví của khách hàng có thẻ cũng khó tìm được điểm quẹt thẻ phù hợp. Thứ hai: các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) chưa mặn mà. ĐVCNT ở đây là các nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ (siêu thị, cửa hàng, trung tâm mua sắm, khách sạn, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, xe...) không/chưa thích dùng POS. Có lẽ không phải là vấn đề chi phí để lắp đặt vì các NH lắp đặt miễn phí thiết bị này cho đơn vị, mà là vấn đề tâm lý ngại bị kiểm soát doanh thu và trốn thuế thu nhập của các ĐVCNT. Phần nữa, ĐVCNT không muốn mất phí cho NH. Theo thông lệ quốc tế, phí ĐVCNT phải trả cho NH là 3%/doanh số tiền quẹt thẻ. Ở Việt Nam cũng vậy, nhưng ít ĐVCNT nào chấp nhận trả tỷ lệ này, họ muốn miễn phí hoặc cùng lắm là trả từ 1%-1,5%/tổng doanh số. Hiện tại chỉ có những đơn vị có giao dịch thanh toán cho người nước ngoài (khách sạn, cửa khẩu...) là sẵn sàng chấp nhận lắp đặt POS vì người nước ngoài có thói quen dùng thẻ. Thứ ba: Tập quán dùng tiền mặt của người dân, tâm lý ngại sử dụng giao dịch thông qua ngân hàng. Bản thân các chủ thẻ cũng ngại quẹt thẻ vì phải nhớ password, có khi phải quẹt đi quẹt lại. Có người lại không tin tưởng lắm vào cách khấu trừ thẻ vì họ sợ mình bị tính sai hoặc chịu phí gì đó... Một lý do nữa cũng không thể không đề cập, đó là vấn đề cơ chế chính sách. Như đã đề cập ở trên, tâm lý ngại dùng thẻ của ĐVCNT và chủ thẻ có nguyên nhân từ vấn đề phí. Thuế VAT đối với hàng hóa dịch vụ và phí thanh toán thẻ đã làm tăng chi phí mua sắm, vì thế không khuyến khích người dân thanh toán bằng thẻ. Ngay cả đối với các NHTM hiện đang lỗ vì đầu tư hạ tầng kỹ thuật (máy chủ, đường truyền, ATM, POS, chi phí quản lý, quảng cáo...) mà vẫn chưa chính thức được phép thu phí giao dịch bằng thẻ và chưa được cơ chế khuyến khích thông qua thuế... Lỗ để đón đầu Đa số các NHTM hiện đang lỗ khi đầu tư vào thanh toán thẻ qua POS. Tuy nhiên không vì thế mà cuộc chạy đua phát triển mạng lưới POS kém sôi động. Với số dân 87 triệu người, mới có khoảng trên 20% dân số dùng thẻ thanh toán thì thị trường thẻ Việt Nam còn rất tiềm năng. Dù còn những hạn chế, bất cập trên nhưng những năm tới chắc chắn số người dùng thẻ ngân hàng và thanh toán thẻ qua POS sẽ tăng lên không ngừng (hiện tượng sẽ gần tương tự như sự phát triển thị trường điện thoại di dộng). Nhiều giải pháp đã được đề xuất cả về hạ tầng kỹ thuật, tuyên truyền thay đổi thói quen, cơ chế chính sách khuyến khích... Tuy nhiên, xu hướng của cuộc sống cũng là một lực đẩy quan trọng để người dân sử dụng thẻ thanh toán qua POS. Các NHTM đều biết điều đó nên họ đang tìm kiếm các giải pháp khả thi theo tính chất lan tỏa. Trước hết là phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công để thanh toán qua thẻ. Ví dụ, hiện Vietinbank đang thí điểm “dịch vụ thu phí không dừng liên trạm” tại TP.Cần Thơ (một loại thẻ trả tiền phí giao thông qua trạm). Sử dụng dịch vụ này lái xe khi đi qua các trạm thu phí chỉ việc quẹt thẻ. Lái xe tiết kiệm được thời gian lưu thông và được hưởng các chính sách ưu đãi liên quan. Thời gian tới dịch vụ này sẽ được mở rộng trên toàn quốc. Cũng Vietinbank thời gian qua đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước triển khai hệ thống thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng bằng 3 kênh, trong đó có thu qua ATM... Có thể trong 5 năm tới, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ khá phổ biến tại Việt Nam và lúc đó thay bằng những ví to đầy tiền, các bà các cô sẽ mang những chiếc ví nhỏ mang 5 - 6 thẻ thanh toán. Tuấn Thành

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/ngan-hang-chiu-lo-de-don-dau/31729