Ngân hàng cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường 8,8 tỉ USD

Tổng giá trị hàng hóa mua trước trả sau có thể tăng lên 8,8 tỉ USD, đón cơ hội, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu chú ý đến phân khúc này, đặc biệt trong thời lạm phát, kinh tế khó khăn và nguồn thu nhập giảm, người dân có xu hướng vay tiêu dùng nhiều hơn.

Thị trường dùng trước trả sau ở Việt Nam ngày càng phát triển sôi động nhờ nhiều yếu tố như: xu hướng thân thiện với mua trước trả sau của tập khách hàng trẻ; nhu cầu mua sắm, thanh toán các hóa đơn đến hạn và sự phát triển của thương mại điện tử đang bùng nổ.

Ngân hàng “để mắt” đến dịch vụ mua trước trả sau

Chị Lê Thúy (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vừa đăng ký cho con học tiếng Anh tại một trung tâm chia sẻ: "Lương giờ về thì hết rất nhanh vì nhiều khoản đều tốn hơn trước, nên chi một lúc nhiều tiền để đóng học phí cho con sẽ khiến nguồn tài chính bị cạn kiệt. Có sự tư vấn của nhân viên trung tâm tiếng Anh nên tôi đã vay được gói 3 tháng 0% lãi suất”, chị Thúy cho hay.

Các ngân hàng thương mại đã bắt đầu chú ý đến phân khúc thẻ tín dụng mua trước trả sau.

Các ngân hàng thương mại đã bắt đầu chú ý đến phân khúc thẻ tín dụng mua trước trả sau.

Không thể trì hoãn trong việc chữa răng, chị Tiến (Hà Đông, Hà Nội) chọn gói niềng răng 35 triệu đồng, nhưng chỉ cần trả trước 5 triệu đồng rồi được góp linh động trong 3 năm. “Với đồng tiền lương vừa đủ chi tiêu trong một tháng nên món nào trả sau được thì trả, tiền mặt tôi ưu tiên cho chi tiêu hàng ngày trước", chị Tiến cho hay.

Thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Research & Market cho thấy, việc áp dụng thanh toán mua trước trả sau tại Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng kép hằng năm khoảng 31,1% trong giai đoạn 2023-2028. Tổng giá trị hàng hóa mua trước trả sau trong nước sẽ tăng từ 1,4 tỉ USD vào năm 2022 lên 8,8 tỉ USD vào năm 2028.

Khảo sát của Mastercard năm 2022 cho thấy, 95% người tiêu dùng nước đã biết đến mua trước trả sau. Nhưng mới chỉ có 32% người tham gia khảo sát cho biết đã dùng dịch vụ mua trước trả sau vào năm 2021.

Tuy nhiên, trong giai đoạn lạm phát và kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập giảm, các dịch vụ mua trước trả sau, tín dụng tiêu dùng được tăng tốc kích cầu trong những tháng gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận xét, do quy mô của mua trước trả sau còn khá nhỏ so với mảng thẻ tín dụng, nên trong thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã để ngỏ sân chơi này cho các Fintech.

Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Y và Z - những người bị thu hút bởi hình thức tín dụng nhanh chóng, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu chú ý đến phân khúc này. Hiện Napas hợp tác với 13 ngân hàng, công ty tài chính để triển khai thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa gồm: Agribank, Vietinbank, Sacombank, ACB, NAB, HDBank, Vietbank, Baovietbank, VCCB, OCB và 4 công ty tài chính gồm: Vietcredit, FCCom, Mirae Asset, Mcredit.

Ngoài ra, một số ngân hàng liên kết với các nền tảng thương mại điện tử để cho vay tiêu dùng, chẳng hạn như TPBank liên kết với Spay Laler (Shopee), hay CIMB liên kết với SmartPay. Thậm chí một số ngân hàng có riêng công ty tài chính để cho vay tiêu dùng như: HDSaison của HDBank, FeCredit của VPBank…

Lợi thế có thuộc về ngân hàng?

Theo đánh giá của các chuyên gia, với quy mô, khả năng tài chính và kinh nghiệm hoạt động trong các thị trường được điều tiết và cung cấp các mô hình thanh toán chi phí thấp, các ngân hàng có nhiều lợi thế hơn các đối thủ Fintech trong việc hạ chi phí để cạnh tranh khách hàng trong lĩnh vực mua trước trả sau.

Ngoài ra, các ngân hàng có thể tăng cường các tùy chọn thẻ tín dụng hiện có để cung cấp một số loại tài chính linh hoạt, giúp mua trước trả sau trở nên hấp dẫn, chẳng hạn như gói để quản lý nhiều khoản trả góp trong các tài khoản hiện có. Citibank đã thực hiện điều này, ra mắt Citi Flex Pay, cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng mua và thanh toán các khoản thanh toán cố định hàng tháng trong một khoảng thời gian nhất định.

Mặc dù vậy, theo phân tích của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, mua trước trả sau là một hình thức thanh toán trả góp cho các sản phẩm và dịch vụ với giá trị vừa và nhỏ (thường dưới 10 triệu đồng), cho phép khách hàng mua trước và chia nhỏ khoản thanh toán theo kỳ (thường là hằng tháng) mà không cần sử dụng thẻ tín dụng, không cần chứng minh thu nhập hay tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, nếu khách hàng thanh toán đúng hạn thì sẽ không phải trả tiền lãi (lãi suất 0%). Với hình thức thanh toán này, hồ sơ của khách hàng thường được duyệt tự động và rất nhanh. Điều đó tiềm ẩn không ít rủi ro.

Điển hình gần đây, trên mạng xã hội, các hội nhóm chia sẻ cách "bùng" nợ hay dịch vụ hỗ trợ không trả nợ cũng thu hút một lượng thành viên nhất định. Theo đó nợ xấu cũng trở thành tâm điểm hàng đầu của các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng.

Trong nửa đầu năm, FE Credit ghi nhận khoản lỗ sau thuế là 2.996 tỉ đồng, nguyên nhân do tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. VCBS cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Fe Credit tăng mạnh lên 21,8% cùng tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng vọt từ 8,7% lên 13,2%. HDSaison cũng có mức độ hình thành nợ xấu tăng trong hai quý đầu năm.

Ngược lại, với người tiêu dùng, rủi ro cũng có thể xảy ra nếu người dùng bỏ lỡ một lần thanh toán và điều này sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của họ. Thậm chí, một số người có thể mất khả năng chi trả khi cùng lúc phát sinh nhiều khoản nợ.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-canh-tranh-chiem-linh-thi-truong-8-8-ti-usd-1095078.html