Ngăn chặn trò chơi trực tuyến xuyên biên giới không phép

Quá trình rà soát, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát hiện nhiều trò chơi điện tử trực tuyến được phát hành xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam (thông qua hai ứng dụng App Store và Google Play Store) có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ TT&TT yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp trò chơi trực tuyến xuyên biên giới muốn hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trò chơi phải được cấp phép trước khi phát hành.

Gỡ bỏ 142 trò chơi phát hành không phép

Năm 2018, Cục PTTH&TTĐT đã cấp giấy phép phê duyệt kịch bản cho 175 trò chơi trực tuyến phát hành tại Việt Nam, trong đó, 95% trò chơi được sản xuất tại Trung Quốc, con số giấy phép này cao hơn 20% so với số trò chơi trực tuyến được cấp phép năm 2017. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã yêu cầu gỡ bỏ, dừng phát hành một số trò chơi trực tuyến có nội dung sai phạm, như: Trò chơi trực tuyến có yếu tố cờ bạc đổi thưởng, nội dung bạo lực, hình ảnh hở hang, vi phạm thuần phong mỹ tục, xuyên tạc và vi phạm lịch sử Việt Nam, trò chơi trực tuyến dù không có nội dung vi phạm nhưng lại phát hành không phép. Mới đây, Cục PTTH&TTĐT đã làm việc trực tiếp với các công ty cung cấp trò chơi điện tử đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore về vấn đề này.

Từ năm 2017 đến nay, Bộ TT&TT đã thiết lập cơ chế phối hợp với Tập đoàn công nghệ Google, Tập đoàn công nghệ máy tính Apple và mạng xã hội facebook trong việc chặn, gỡ hoặc dừng quảng cáo các trò chơi không phép phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam. Khi xác định các trò chơi trực tuyến vi phạm, Bộ TT&TT sẽ thực hiện biện pháp xóa, chặn ứng dụng trò chơi khỏi hai chợ ứng dụng là App Store, Google Play Store; đồng thời thực hiện các biện pháp chặn dòng tiền thanh toán cho trò chơi trực tuyến. Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: “Chúng tôi cho rằng trò chơi trực tuyến thì đối tượng chịu tác động chính là giới trẻ, mà giới trẻ cần được bảo vệ chặt chẽ hơn”.

Tính đến thời điểm hiện nay, 142 trò chơi vi phạm phát hành không phép vào thị trường Việt Nam đã bị gỡ, trong đó có 104 trò chơi cờ bạc đổi thưởng, 38 trò chơi có nội dung bạo lực. 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ trò chơi trực tuyến không phép tại Việt Nam chiếm khoảng 30% thị trường trò chơi trực tuyến, gây thất thoát lớn về ngân sách Nhà nước cũng như những bất cập về quản lý nội dung, văn hóa, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Phải tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam

Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam kiên quyết không chấp nhận trò chơi trực tuyến phát hành xuyên biên giới, thu tiền tại Việt Nam mà lại chưa được cấp phép. Nhằm bảo đảm các trò chơi trực tuyến phát hành tại Việt Nam thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp về văn hóa, cơ quan quản lý yêu cầu các trò chơi đều phải được cấp phép.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi đồng thời với nhau thông qua hệ thống máy chủ, trò chơi của doanh nghiệp phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản mới được phát hành. Để xin cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài có hai cách. Thứ nhất, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến hành thủ tục xin giấy phép theo quy định. Khi đó, doanh nghiệp trong nước phải sở hữu, quản lý kho cơ sở dữ liệu của người chơi trò chơi trực tuyến, phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi có yêu cầu từ phía cơ quan quản lý thì phải chỉnh sửa về nội dung, hình ảnh theo yêu cầu.

Cách thứ hai, thành lập công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam nhưng công ty nước ngoài chỉ sở hữu tối đa 49%. Quá trình xin cấp phép, trò chơi trực tuyến phải được gỡ khỏi kho ứng dụng hoặc website tại Việt Nam và sau khi được phê duyệt mới phát hành trở lại. Theo quy định, việc cấp phép trò chơi trực tuyến tiến hành trong 20 ngày. Tuy nhiên thực tế, hội đồng thẩm định thường xuyên phát hiện các sai phạm và yêu cầu chỉnh sửa nên thời gian để chờ thẩm định, cấp phép có thể từ 1 đến 1,5 tháng. Theo số liệu thống kê của Cục PTTH&TTĐT, gần như 100% các trò chơi trực tuyến thông qua hội đồng thẩm định đều phải chỉnh sửa như điều chỉnh về trang phục nhân vật, bỏ các yếu tố bạo lực, kinh dị...

Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đứng tên xin cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến nhưng thực chất chỉ là đại lý, là bình phong để phát hành trò chơi trực tuyến cho các doanh nghiệp nước ngoài, sau đó thu tiền và chuyển ra nước ngoài. Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh rằng, pháp luật Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn, mở công ty tại Việt Nam, nhưng việc các doanh nghiệp trò chơi trực tuyến nước ngoài kinh doanh núp bóng các công ty làm bình phong hay đại lý ở trong nước là vi phạm pháp luật Việt Nam. Do đó, Cục PTTH&TTĐT đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đúng theo luật với các doanh nghiệp trong nước, bảo đảm đáp ứng đầy đủ điều kiện để cung cấp trò chơi trực tuyến xuyên biên giới vào Việt Nam.

TRÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngan-chan-tro-choi-truc-tuyen-xuyen-bien-gioi-khong-phep-583566