Ngăn chặn tình trạng mất an toàn trong xây dựng

Sự việc sập căn nhà ba tầng trên đường Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình vào đêm 2-9 đang gây bức xúc trong dư luận về tình trạng mất an toàn trong xây dựng; trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công; trách nhiệm của Đội Thanh tra xây dựng quận.

Theo đó, vào khoảng 21 giờ ngày 2-9, căn nhà số 41 đường Tân Sơn Hòa bị đổ nghiêng đè lên căn nhà số 47 kề bên khiến căn nhà này đổ theo. Rất may là không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ nhà cửa, tài sản đã bị hư hỏng. Ngày 3-9, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố phối hợp lực lượng chức năng quận Tân Bình đình chỉ thi công công trình gây sập hai căn nhà nêu trên. Cụ thể, trong quá trình thi công phần móng xây dựng nhà số 43 đã gây đổ sập căn nhà số 41, sau đó kéo căn nhà số 47 bị sập theo. Riêng nhà số 49 cũng bị vỡ một phần tường. Chủ đầu tư công trình nhà số 43 đã nhận trách nhiệm, chấp nhận thương lượng để đền bù cho những nhà bị thiệt hại.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từng xảy ra khá nhiều sự cố sập nhà do các công trình xây dựng liền kề gây ra. Năm 2007, trong khi thi công các tầng hầm của tòa nhà cao tầng Pacific tại số 47, đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), đơn vị thi công đã để xảy sự cố làm sập hoàn toàn căn biệt thự số 49 bên cạnh là trụ sở của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, đồng thời gây mất an toàn cho những tòa nhà khác gần đó.

Tháng 11-2015, một tai nạn khác xảy ra tại căn nhà đang xây dựng ở ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh làm 11 công nhân bị thương. Trường hợp mất an toàn trong xây dựng khác xảy ra gần đây là vào lúc 21 giờ ngày 22-4-2017, ba căn nhà trong dãy phòng trọ thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè bất ngờ bị sập. Các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân là do một công trình xây dựng liền kề đang thi công gây ra...

Chủ đầu tư phải trải qua nhiều công đoạn, thủ tục hành chính rất chặt chẽ như giấy chủ quyền, bản phối cảnh, bản vẽ thiết kế tổng thể, bản vẽ chi tiết các tầng, các hầm... và tất cả đều phải được cơ quan chức năng thẩm tra, phê duyệt trước khi cấp giấy phép xây dựng. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư, đơn vị thi công còn chịu sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của cơ quan chức năng, trực tiếp là các Đội Thanh tra xây dựng. Những quy định, thủ tục nêu trên là rất cần thiết. Khi để xảy ra mất an toàn xây dựng, trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị thi công, đơn vị giám sát, chủ đầu tư... và sau đó là UBND cấp quận và phường liên quan; Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện; Tổ thanh tra xây dựng các cụm phường, xã cũng có phần trách nhiệm.

Ngày 11-5-2013, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2391/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng thành phố. Tiếp đó, Sở Xây dựng thành phố cũng đã thành lập các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện. Theo đó, lực lượng thanh tra địa bàn phối hợp UBND các quận, huyện, phường, xã để kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm xây dựng. Công tác kiểm tra thực hiện từ lúc khởi công, trong suốt quá trình thi công, khi công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng... Cũng theo quy định, UBND các quận, huyện vẫn có chức năng, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Thành phố đang và sẽ có rất nhiều công trình xây dựng, trong đó có những công trình cao tầng và nhiều tầng hầm. Quy mô xây dựng càng nhiều, thiết kế phức tạp thì khả năng xảy ra tai nạn càng cao, nếu công tác bảo đảm an toàn bị lơ là. Người dân thành phố mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát phương pháp, quá trình thi công nhằm kịp thời ngăn chặn những sự cố, tai nạn đáng tiếc xảy ra.

HOÀNG PHÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33999102-ngan-chan-tinh-trang-mat-an-toan-trong-xay-dung.html