NGĂN CHẶN HÀNH VI LỢI DỤNG KẼ HỞ CỦA PHÁP LUẬT

Thời gian qua, dư luận chú ý theo dõi việc xét xử hai vụ án tham nhũng và buôn lậu. Vụ thứ nhất xét xử phúc thẩm đối với Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vinashinlines.

Lực lượng an ninh đang làm nhiệm vụ khám xét tại trụ sở công ty VN Pharma. Ảnh: TTO

Chỉ trong thời gian ngắn, với chiêu trò trong mua bán tàu, Đạt đã tham ô tới 260 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển vào nhiều tài khoản do bố đẻ của Đạt mở và được gọi là “tiền hoa hồng”. Vụ thứ hai xét xử ban lãnh đạo Công ty Dược VN Pharma, lợi dụng sự kiểm soát lỏng lẻo đã làm giả hồ sơ, con dấu để hợp pháp hóa việc nhập lô thuốc chống ung thư kém chất lượng (giả), hòng trục lợi. Nhìn lại trước đây, chúng ta có thể thấy hàng chục vụ án cũng xuất phát từ việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là các vụ việc đã được phát hiện, đã được điều tra và xử lý. Trên thực tế, còn rất nhiều vụ lợi dụng kẽ hở của pháp luật nhưng chưa được điều tra, hoặc chưa được phát hiện, chẳng hạn như việc "sang tay" các công trình, dự án để hưởng chênh lệch; hợp pháp hóa các vi phạm về đất đai v.v..

Sở dĩ có hiện tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi là bởi quá trình soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta còn có những sai sót, thiếu chặt chẽ. Những văn bản quy phạm pháp luật này hoặc là không thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác nên dẫn đến chồng chéo về nội dung, phạm vi điều chỉnh và vì thế không thể phát huy hiệu quả triệt để trong thực tiễn; hoặc, có văn bản luật không theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nên không đáp ứng được yêu cầu trong điều chỉnh hành vi. Cũng có những văn bản luật được soạn thảo không kỹ, không bao quát toàn bộ các hoạt động, hành vi trong lĩnh vực muốn điều chỉnh, nên tạo ra nhiều kẽ hở... Nhưng điều quan trọng là việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật xuất phát từ sự tha hóa về nhân cách, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu đã thẳng thắn nêu lên tình trạng hiện nay có những công ty, doanh nghiệp thuê hẳn đội ngũ chuyên gia hiểu biết về pháp luật để tìm các kẽ hở trong những văn bản luật nhằm lợi dụng. Đây rõ ràng là biểu hiện cố tình lợi dụng sự sơ hở của luật pháp để trục lợi.

Để ngăn chặn hiệu quả hành vi lợi dụng sơ hở của luật pháp để trục lợi thì việc đầu tiên các cơ quan chức năng phải không ngừng rà soát hệ thống pháp luật, kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý trong từng văn bản quy phạm pháp luật, "bịt" ngay các kẽ hở từ gốc. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khi phát hiện sai phạm phải kiên quyết xử lý, thu hồi tài sản cho Nhà nước, kể cả những tài sản đã bị tẩu tán dưới mọi hình thức. Một vấn đề nữa là phải tích cực giáo dục, nâng cao nhận thức và tính tự giác cho cán bộ, đảng viên, công chức trong chấp hành pháp luật, đồng thời đề cao vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, công chức để phát hiện nhanh, phát hiện sớm các hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật hòng trục lợi.

TRẦN VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/ngan-chan-hanh-vi-loi-dung-ke-ho-cua-phap-luat-516173