Ngăn chặn hành vi gian lận thuế

Vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các phương thức để lách luật, trốn thuế, gian lận thuế. Thực trạng này đòi hỏi lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời nắm bắt những thủ đoạn mới để xử lý, xử phạt, chống thất thu thuế cho Nhà nước.

Lực lượng an ninh kinh tế kiểm tra tang vật vụ mua bán trái phép hóa đơn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng xảy ra tại quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Công an TP Hà Nội cho biết, tình hình tội phạm trong lĩnh vực thuế tiếp tục diễn biến phức tạp, tinh vi. Đơn cử, sau hơn một năm tích cực điều tra, mở rộng vụ án, mới đây, Cơ quan An ninh Điều tra (Công an TP) đã chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp truy tố vụ án Hoàng Lệ Hằng (SN 1971, trú tại phường Thanh Nhàn) cùng đồng phạm mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Từ cuối năm 2014 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sử dụng pháp nhân 41 công ty, 150 quyển hóa đơn GTGT và nhiều hóa đơn lẻ để bán. Tổng số đã viết bán hơn ba nghìn tờ hóa đơn với tổng tiền hàng sau thuế VAT là hơn 147 tỷ đồng, thu lời bất chính.

Thủ đoạn của Hoàng Lệ Hằng là thành lập công ty và mua lại công ty không có nhu cầu hoạt động chỉ để phát hành hóa đơn bất hợp pháp. Các đối tượng còn nhiều thủ đoạn, hình thức gian lận khác không kém phần tinh vi. Nhiều doanh nghiệp thành lập công ty đăng ký kinh doanh và nộp thuế ở một nơi, nhưng thực tế lại hoạt động ở một nơi khác, rất khó quản lý. Có doanh nghiệp doanh thu dưới 50 tỷ đồng/tháng đã lợi dụng chính sách của Nhà nước, chỉ kê khai tổng doanh thu hàng hóa mua vào, bán ra, gây khó khăn trong nắm bắt loại hàng, nguồn hàng... Khi nghi ngờ, phát hiện hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT, cơ quan thuế kiểm tra thì doanh nghiệp lập tức xin tạm ngừng hoạt động, chuyển địa điểm kinh doanh để trốn tránh.

Khi xuất, nhập khẩu hàng hóa, các đối tượng khai sai tên, chủng loại hàng hóa để giảm số thuế phải nộp, thậm chí, tháo bớt một số bộ phận để hàng hóa là sản phẩm chưa hoàn thiện, nhằm hưởng thuế suất thấp đối với linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp mua hàng trôi nổi hoặc sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dệt may, nhà hàng... dùng thủ đoạn khá phổ biến là sử dụng song song hai hệ thống sổ kế toán. Một hệ thống sổ nội bộ, phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế, hệ thống còn lại chỉ ghi một phần các giao dịch để kê khai thuế.

Để đối phó các hành vi gian lận của doanh nghiệp, liên ngành chức năng gồm Cục Thuế, Cục Hải quan, Công an TP, Kiểm toán... đã tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Không chỉ sử dụng phương thức thanh tra, kiểm tra truyền thống, Hà Nội còn là địa bàn đầu tiên trên cả nước ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), kiểm tra điện tử. Dựa trên cơ sở dữ liệu số, Cục Thuế đã nghiên cứu, phân tích rủi ro, xây dựng các gói rủi ro làm cơ sở đấu tranh, yêu cầu doanh nghiệp tự điều chỉnh, khắc phục nộp bổ sung. Chỉ trong bảy tháng năm 2017 đã hoàn thành 11.444 cuộc thanh tra (tăng tới 98,6% so với cùng kỳ), xử lý truy thu, thu hoàn và phạt các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm 1.503 tỷ đồng. Cơ quan Thuế các cấp đã cung cấp 289 đầu mối hồ sơ vụ việc liên quan đến 502 doanh nghiệp. Qua xác minh phát hiện 53 vụ việc liên quan đến 474 hóa đơn GTGT có dấu hiệu mua bán, sử dụng bất hợp pháp. Riêng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP) đã thụ lý, giải quyết 15 vụ, 17 đối tượng vi phạm, gian lận thuế, thu nộp ngân sách 177 tỷ đồng.

Đại tá Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an TP cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng những chính sách thông thoáng của Nhà nước để trục lợi, hợp thức hóa các giấy tờ, chứng từ kê khai. Như chính sách cho phép doanh nghiệp bỏ bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra; chính sách hoàn thuế trước, kiểm tra sau... Một số doanh nghiệp nợ thuế kéo dài nhưng cơ quan chức năng không xử lý hình sự được. “Trước khi cấp phép thành lập doanh nghiệp, cần có biện pháp xác minh lý lịch tư pháp của người đại diện, thẩm định vốn điều lệ nhằm phòng ngừa việc thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn, trốn thuế. Định kỳ ba tháng, sáu tháng, các ngành chức năng cần kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có biện pháp xử lý, ngăn chặn” - Đại tá Đoàn Ngọc Hùng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, liên ngành chức năng cũng cần thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết. Riêng với các trường hợp cố tình nợ đọng thuế kéo dài, chây ỳ, cần khẩn trương ban hành các quyết định cưỡng chế, phối hợp các đơn vị thực hiện xử lý bằng các biện pháp cụ thể hơn như trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản, khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập... Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cục Thuế thành phố đang kiến nghị Bộ Tài chính cho phép triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có xác thực trên toàn thành phố để giải quyết tình trạng sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33710902-ngan-chan-hanh-vi-gian-lan-thue.html