Ngắm vợ qua ống nhòm

'Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu...'. Điệp khúc bài hát vang lên nồng nàn, tha thiết lắng đọng trong tâm hồn cô giáo mầm non ngày ấy trên phố biển Nha Trang, để rồi giờ đây, cô đã là vợ lính đảo. Đó là chuyện tình giữa cô giáo Nguyễn Thị Thúy và Trung tá Nguyễn Lương Điền, Chính trị viên đảo Sơn Ca (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân).

Đúng vào ngày 22-12-2007, cô giáo Nguyễn Thị Thúy vào thăm bạn cùng quê ở Hệ 2 (Học viện Hải quân). Đêm ấy, Hệ 2 phối hợp với Trường Mầm non Sao Mai (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong bập bùng tiếng nhạc, mọi người cùng nắm tay nhau cất cao tiếng hát. Đêm ấy, Thúy say sưa hát với tất cả lòng mình. “Em ơi em mùa xuân lại về trên cành lá, tiếng chim nghe ngọt quá, giữa trời xanh, xanh thẳm...”. Tiếng hát trong trẻo cất lên, không khí tưng bừng, rộn rã. Kết thúc bài hát trong tiếng vỗ tay khen ngợi, Thúy bối rối đón nhận một cành san hô trắng từ tay chàng sĩ quan trẻ. Đêm đó, một thoáng bâng khuâng, rạo rực xâm chiếm trong lòng cô giáo trẻ.

Tổ ấm hạnh phúc của Trung tá Nguyễn Lương Điền. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mấy ngày sau, Thúy đang loay hoay với chiếc xe đạp tuột xích thì chàng sĩ quan có đôi mắt sáng lấp lánh, nước da sạm màu nắng gió xuất hiện. Thúy chợt nhận ra anh chính là người đã tặng cô cành san hô trắng trong đêm giao lưu hôm nào. Hình như có chủ định từ trước nên họ làm quen với nhau thật tự nhiên. Câu chuyện mỗi lúc một thân mật, bỗng nhiên trời nổi dông gió. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, mọi người run lên vì lạnh. Không chút ngần ngại, anh bộ đội hải quân chủ động nhường cho Thúy chiếc áo mưa duy nhất. Nhìn anh ướt đẫm nước mưa và gió lạnh, Thúy cảm động vô cùng. Lúc ấy, anh đã nhìn cô bằng ánh mắt lấp lánh và ấm áp. Chia tay, dòng địa chỉ của Điền trong tay cô trở nên thân thuộc và gần gũi đến lạ kỳ. Sự kính trọng, niềm cảm mến, tình yêu chợt xôn xao trong trái tim bé nhỏ của cô.

Tết năm đó, Điền ở lại Học viện cùng đồng đội trực Tết, Thúy về Hà Tĩnh đón xuân. Về quê, cô không nguôi nỗi nhớ người đã tặng mình cành san hô trắng. Với cô, cành san hô trắng là đóa hoa đẹp nhất. Đêm Giao thừa, Thúy thực sự cảm thấy mùa xuân đã đến khi cô nhận được điện thoại của Điền từ Nha Trang gọi về. Cứ như thế, tình yêu lớn dần theo ngày tháng. Năm 2009, Điền và Thúy nên duyên vợ chồng. Cưới nhau được 3 năm thì Điền nhận quyết định chuyển về công tác ở Vùng 3 Hải quân. Thế là vợ chồng lại phải cách xa nhau hơn 500km. Phải đến cuối năm 2014, Thúy mới có điều kiện chuyển ra Đà Nẵng dạy học. Cứ tưởng vợ chồng gần nhau, cùng chăm lo cho gia đình nhưng đến tháng 7-2022, Nguyễn Lương Điền lại chuyển từ Vùng 3 Hải quân ra công tác tại đảo Sơn Ca.

Hôm chia tay, Điền tâm sự với tôi: “Dẫu vẫn biết người lính xa nhà là lẽ thường, song cứ mỗi lần xa vợ con là tôi lại thấy bùi ngùi. Vắng đàn ông, căn nhà chiều thứ bảy như rộng ra và trống trải thêm”. Điền kể: “Chúng tôi cưới nhau tròn 15 năm, cộng dồn lại may ra ở gần nhau được vài năm. Cả hai lần sinh con, vợ tôi đều “vượt cạn” một mình. Khi tôi về Lữ đoàn 172 (Vùng 3 Hải quân) thì tàu thường xuyên hoạt động trên biển, giờ lại ra đảo”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy và Trung tá Nguyễn Lương Điền nhân kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy trước giờ lên tàu KN 390 ra Trường Sa.

Nhớ lần Điền về phép, tôi hỏi Thúy, chồng ra đảo công tác, chị có buồn không? Thoáng chút ưu tư, Thúy trả lời: “Có chồng là bộ đội Trường Sa thì rất vinh dự, nhưng cũng khá vất vả. Nội ngoại ở xa, việc trường lớp bận rộn, đồng lương giáo viên có hạn song tôi cũng gắng dành dụm, chuẩn bị cho các con chu toàn. Các cô ở trường tôi thường trêu: “Có chồng rồi mà sao vẫn còn son”. Nghe vậy tôi càng thấy thương nhớ chồng vô cùng. Vì nhiệm vụ nên anh ấy và đồng đội phải ở lại ngoài đảo xa!". Thúy kể: “Tôi nhớ nhất là lần đầu tiên anh Điền được nghỉ phép kể từ khi ra đảo. Tình cảm dồn nén, khó có thể diễn tả bằng lời. Vợ chồng xa nhau thì nhớ lắm, nhưng ngày gặp lại sao cứ thấy ngượng ngùng... Sau đó là cả một thế giới hạnh phúc. Có một lần, trong bữa cơm chiều trước ngày anh Điền lên tàu ra đảo, cháu lớn nhà tôi là Nguyễn Ngọc Khánh Hà tự tay gắp thức ăn cho bố rồi nói: “Bố ăn đi, con thương bố lắm!”. Nghe con gái nói vậy, anh Điền dỗ dành con: “Bố cũng thương ba mẹ con nhiều lắm, các con ở nhà phải vâng lời mẹ, ngoan ngoãn và chăm học nhé”. Con gái út Nguyễn Ngọc Kim Ngân nũng nịu trả lời: “Nhưng bố phải ở nhà với chúng con, đừng đi xa nữa cơ!”. Đêm ấy, vợ chồng tôi thao thức hoài. Nghĩ mà thương con, nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi đành “gác tình riêng, lo việc chung”.

Giờ đây, dẫu cách xa hàng trăm hải lý nhưng tình yêu giản dị, đơn sơ mà thắm nồng ấy đã đơm hoa kết trái. Con gái đầu lòng Nguyễn Ngọc Khánh Hà (sinh năm 2012) đã là học sinh lớp 6/12 Trường THCS Lý Tự Trọng (Đà Nẵng). Cháu thứ hai là Nguyễn Ngọc Kim Ngân (sinh năm 2014), học lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng). Cả hai cháu rất ngoan ngoãn, học giỏi, biết vâng lời mẹ.

Cách đây hơn một tuần (ngày 5-4), cô giáo Nguyễn Thị Thúy vinh dự tham gia cùng đoàn công tác số 5 (đoàn cán bộ, đại biểu các tỉnh, thành phố, ban, ngành) lên tàu KN 390 ra Trường Sa. Nghĩ đến giây phút gặp chồng trên đảo Sơn Ca, Thúy rất vui và hạnh phúc. Thế nhưng vì điều kiện thời tiết nên tàu KN 390 phải thả neo cách đảo dăm hải lý. Không còn cách nào khác, Trung tá Nguyễn Lương Điền đành ngắm vợ qua ống nhòm, còn cô giáo Nguyễn Thị Thúy trò chuyện với chồng qua điện thoại di động.

Khi tôi hoàn thành bài viết này thì chị Nguyễn Thị Thúy cùng đoàn công tác trên tàu KN 390 đã vượt sóng gió, trở vào đất liền. Chị Thúy dẫu không được gặp chồng trên đảo nhưng sau chuyến đi này, chị lại càng hiểu và thêm thương yêu chồng hơn. Bởi chị biết, sự hy sinh thầm lặng của những người vợ lính Trường Sa sẽ là hậu phương vững chắc để người chiến sĩ ngoài đảo xa yên tâm canh giữ biển trời Tổ quốc...

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngam-vo-qua-ong-nhom-772490