Ngắm vẻ tráng lệ, trang nghiêm của Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc

Đại lễ đường Nhân dân, nơi đang diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 gây choáng ngợp với vẻ tráng lệ, trang nghiêm với 300 hội trường và văn phòng có sức chứa hơn 10.000 người...

Đại lễ đường Nhân dân được hoàn thiện tháng 9.1959 để kỷ niệm 10 năm thành lập nước CHND Trung Hoa sau 10 tháng xây dựng. Trong ảnh, các đại biểu tham dự Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 18.10. Gần 2.300 đại biểu đại diện hơn 89 triệu đảng viên đã có mặt tại Đại lễ đường để tham dự đại hội 19 diễn ra trong một tuần. Mục tiêu của đại hội 19 là định hình tương lai Trung Quốc theo tầm nhìn 5 năm tới.

Đại lễ đường Nhân dân là nơi diễn ra các đại hội, hội nghị của Đảng Cộng sản cầm quyền và chính phủ Trung Quốc đồng thời cũng là tòa nhà Quốc hội của nước này. Trong ảnh Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình được xếp ngồi giữa hai cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, dự Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hôm 18.10.

Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc nằm ở phía tây quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh.

Rộng hơn Tử Cấm Thành, Đại lễ đường Nhân dân được xây dựng trên diện tích 171.800m2 với chiều dài từ Bắc đến Nam là 336m, chiều rộng từ Đông sang Tây 206m và chiều cao 46,5m.

Đại lễ đường có tới 300 hội trường và văn phòng với sức chứa hơn 10.000 người.

Tòa nhà đồ sộ này cũng có đủ chỗ ngồi cho khoảng 5.000 người dự yến tiệc.

Cổng kiểm tra an ninh ở cửa Đông, cửa chính của tòa nhà, cũng là lối vào hội trường trung tâm.

Đại sảnh trung tâm rộng 3.600 m2, tường và sàn nhà lát đá màu, có 20 cột chống bằng đá cẩm thạch trắng. Tầng hai có hành lang rộng 12 m, có 6 cửa chính dẫn vào hội trường Vạn Nhân, nơi tổ chức hội nghị có sức chứa 10.000 người.

Tông vàng cao quý tạo cảm giác sang trọng, tráng lệ và uy nghiêm cho đại lễ đường.

"Phòng vàng" nằm ở tầng ba hội trường trung tâm, là nơi tổ chức họp báo của lãnh đạo đảng và chính phủ Trung Quốc nhằm thông báo những tin tức chính trị kinh tế quan trọng của Trung Quốc ra thế giới. Phòng vàng gồm hai tầng, diện tích sử dụng 3.300 m2, sức chứa 2.000 người. Bao quanh nó là các phòng họp nhỏ hơn mang phong cách của những tỉnh thành lớn như hội trường Hà Nam, Trùng Khánh, Thượng Hải, Bắc Kinh, Macau...

Phòng đón khách nằm ở phía bắc đại lễ đường, là nơi chụp hình lưu niệm của quan khách tới đây, với hình nền là bức tranh có tên "Giang sơn như thử đa kiều". Đây là bức quốc họa dài 9 m, rộng 6 m, vẽ theo bài thơ "Tuyết" của cố chủ tịch Mao Trạch Đông nói về vẻ đẹp của đất nước Trung Quốc.

Còn đây là phòng An Huy, trang trí bằng bức vẽ mặt trời mọc trên đỉnh Hoàng Sơn, một di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Trong khi đó, phòng Bắc Kinh được trải thảm đỏ rực với bức tranh cung điện mùa hè Di Hòa Viên, một di tích lịch sử và địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh.

Nằm ở phía nam của Đại lễ đường là văn phòng làm việc của ủy ban thường vụ quốc hội. Tầng một là phòng tiếp khách cấp quốc gia, nơi lãnh đạo Trung Quốc tiếp đón khách nước ngoài. Khu vực này có diện tích 550 m2, nổi bật với bức "Đại hà thượng hạ, hạo hạo trường xuân" tượng trưng cho 5.000 năm lịch sử Trung Quốc.

Phương Đăng (tổng hợp)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/ngam-ve-trang-le-trang-nghiem-cua-dai-le-duong-nhan-dan-trung-quoc-814673.html