Ngẫm về học phí

Thời điểm này, một số trường phổ thông tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội đã công khai học phí năm 2024 - 2025. Theo đó, học phí thấp nhất hơn 100 triệu đồng/năm đối với bậc mầm non và cao nhất lên đến hơn 910 triệu đồng/năm đối với bậc trung học. Mức học phí này chưa bao gồm các loại chi phí khác theo quy định của từng trường.

Đơn cử như Trường quốc tế Liên hợp quốc - UNIS, thông báo mức thu học phí năm học 2024 - 2025 là 12.570 USD (hơn 310 triệu đồng) áp dụng khi thanh toán một lần đối với lớp mẫu giáo bé học tại trường đến 14 giờ. Riêng với lớp 5 tuổi, học phí tăng thêm gần 24 triệu đồng. Mức cao nhất là lớp 11 - 12 với 36.920 USD (hơn 912 triệu đồng) nếu trả một lần.

Trường Quốc tế Anh - BIS Hà Nội xác định mức học phí theo khối lớp và ngày sinh của học sinh. Theo đó, với bậc mầm non, học phí đóng cả năm học dao động từ 234,4 - 246,3 triệu đồng (đối với khối lớp học nửa ngày) và dao động từ 317,2 - 472,2 triệu đồng (đối với khối lớp học cả ngày). Bậc tiểu học có mức học phí dao động từ 607,9 - 679,1 triệu đồng. Bậc trung học có mức học phí dao động từ 782,8 - 896,9 triệu đồng. Trường Quốc tế Singapore, Quốc tế Nhật và Quốc tế Pháp có học phí khoảng 100 - 150 triệu đồng.

Ngoài ra, các trường như Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring có mức học phí khoảng 169,2 triệu đồng/năm; Trường Phổ thông liên cấp Olympia có mức học phí 167 triệu đồng chương trình song ngữ…

Hiện, Hà Nội có 40 trường có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là trường mầm non. Các trường đều dạy theo giáo trình nước ngoài bằng tiếng Anh, thường được gọi là "trường quốc tế". Ngoài học phí, nhiều trường quy định riêng tiền cọc, phí ghi danh, nhập học hay tuyển sinh. Tiền đặt cọc phổ biến khoảng 20 - 35 triệu đồng, cao nhất là trường Quốc tế Hà Nội - HIS 50 triệu đồng. Với phí nhập học/ghi danh/tuyển sinh, thấp nhất là Trường Quốc tế Singapore (3 - 6 triệu đồng), riêng Trường Quốc tế Anh - BIS Hà Nội thu mức 71 triệu đồng. Các khoản khác mà phụ huynh phải nộp còn có đồng phục, tiền ăn, cơ sở vật chất, học liệu, xe buýt đưa đón.

Trước đó, nhằm chuẩn bị tốt công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến. Đối với các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài cần tổ chức tuyển sinh thuận lợi, minh bạch, chấm dứt tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu với đơn vị vi phạm...

Hiện xu hướng cho con theo học tại các trường tư thục của phụ huynh Hà Nội ngày càng tăng. Tuy nhiên, vấn đề học phí vẫn là rào cản khiến nhiều phụ huynh và học sinh còn e dè. Bên cạnh nhiều trường có mức thu khủng như đã nêu trên, vẫn có những trường tư thục có mức thu vừa phải với điều kiện của người học. Do đó, theo các chuyên gia giáo dục, học sinh và phụ huynh cần cân nhắc điều kiện để đăng ký và vào những môi trường giáo dục cho phù hợp.

Trên thực tế, cuộc đua tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội và các thành phố lớn luôn “nóng”, bởi một trong những lý do mà nhiều gia đình muốn cho con vào trường công là học phí rẻ, nếu vào trường tư, không phải gia đình nào cũng sẵn sàng có kinh tế để đáp ứng được. Còn các trường trung học phổ thông tư thục phải "tự lực cánh sinh" nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đại diện các trường ngoài công lập đều có chung mong muốn nếu có cơ chế tốt để thành lập thêm các trường tư thục, chia sẻ gánh nặng quá tải với ngành giáo dục; cùng với đó có chính sách khuyến khích ưu đãi giúp giảm học phí thì câu chuyện tranh suất vào trường công tại các thành phố lớn sẽ dần giảm bớt.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngam-ve-hoc-phi-10277459.html