Ngắm Sài Gòn xưa qua bản đồ

Bộ sưu tập gồm các bản đồ, hiện vật của Sài Gòn - TP.HCM qua thời gian, từ cuối thế kỷ 18 cho đến hiện nay, gồm bản đồ đầu tiên được vẽ vào năm 1799 dưới thời chúa Nguyễn, bộ sưu tâp gồm có bản đồ Thành Phụng 1859, Đồn Nam - đồn Hữu Bình 1870, Đồn Soài Rạp, bản đồ Sài Gòn 1860, bản đồ Gia Định 1967, bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn 1958, Khu kỹ nghệ Thủ Đức 1960...

Ngày 8.11, công chúng đã có dịp tham quan triển lãm bộ sưu tập bản đồ đặc biệt tại Green Gallery (42 Mạc Đĩnh chi, quận 1, TP.HCM). Đó là bộ sưu tập gồm các bản đồ, hiện vật của Sài Gòn - TP.HCM qua thời gian, từ cuối thế kỷ 18 cho đến hiện nay, gồm bản đồ đầu tiên được vẽ vào năm 1799 dưới thời chúa Nguyễn, bộ sưu tâp gồm có bản đồ Thành Phụng 1859, Đồn Nam - đồn Hữu Bình 1870, Đồn Soài Rạp, bản đồ Sài Gòn 1860, bản đồ Gia Định 1967, bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn 1958, Khu kỹ nghệ Thủ Đức 1960...

Bản đồ thành Gia Định và công sự sau ngày 8.3.1859, là ngày thành bị đặt thuốc nổ sập và bị đốt cháy. Nguồn: Photothèque de l’EFEO-Paris, VIE23434.

Sơ đồ Đồn Nam chỉ ra vị trí các khẩu pháo được đặt vào năm 1870. Nguồn: Photothèque de l’EFEO-Paris, VIE23435

Đồn Nam là một trong hai đồn Hữu Bình và Tả Định do chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng vào năm 1789. Hai đồn đối diện với nhau qua sông Sài Gòn, án ngữ đường thủy cho thành Phụng. Đồn Hữu Bình nằm ở phía Nam, được gọi là đồn Nam, đồn Thảo Câu. Vị trí của đồn này nằm ở cuối kho Thương cảng, góc sông Sài 10 Gòn với cầu Tân Thuận ngày nay. Đồn Tả Định, nằm ở phía Bắc, còn gọi là Giác Ngư (Cá Trê), có vị trí tại phường An Lợi Đông, Thủ Thiêm ngày nay. Một cuộc giao tranh lớn tại đây khi quân Pháp tiến đánh thành Gia Định vào tháng 2.1959.

Đồn Soài Rạp, bản vẽ - Renaud. Nguồn: Photothèque de l’EFEO-Paris

Bản đồ thành phố Sài Gòn, LeBrun 1799. Nguồn : “Département des Cartes et Plans”, BNF (Thư viện Quốc gia Pháp), 80c 99743.

Gia Định Thành, 1816 Bản đồ được Chưởng cơ Trần Văn Học vẽ vào năm 1816, do lệnh của vua Gia Long. Nguồn: Thư viện Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, cef-M7

Saigon, 1860. Bản đồ vẽ lại con đường tiến quân của hải quân Pháp vào đánh thành Gia Định. Nguồn: Photothèque de l’EFEO-Paris

Bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận, 1862. Nguồn: Thư viện Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển CEFURDS, Cef-M12

Bản đồ này do một Trung sĩ Hải Quân đánh bộ của Pháp lập vào ngày 2.1.1862, được chính Coffyn xem xét và thẩm định. Coffyn là tác giả của bản Quy hoạch thành phố 500.000 người tại Sài Gòn. Đặc biệt, bản đồ này vẽ rõ Phòng tuyến các chùa của phía quân Pháp. Các chùa được dùng làm đồn là: Chùa Khải Tường, trên bản đồ 1860 là Barbé - Đại úy thủy quân lục chiến đã chiếm chùa này làm đồn binh. Đây đã là nơi vua Minh Mạng ra đời (1791). Khi lên làm vua, Minh Mạng đặt tên chùa là Quốc Ân Khải Tường. Địa điểm hiện nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; Chùa Kim Chương và đền Hiển Trung, trên bản đồ là Pagodes des mares (các ngôi chùa ở trên đầm lầy), nay ở khoảng chùa Lâm Tế tại địa chỉ số 212A đường Nguyễn Trãi, quận 1; Chùa Kiềng Phước, Pagode de Clochetons (chùa chuông), ở quận 5 ngày nay. Trên bản đồ 1862 , chùa ở vị trí thẳng góc với đường Cái Quan (đường Nguyễn Trãi ngày nay); Chùa Cây Mai (pagode de Cai mai). Chùa đã bị tàn phá, vốn ở vị trí một gò mai mà ngày nay là góc đường Hồng Bàng – Nguyễn Thị Nhỏ, thuộc phường 16, quận 11, TP.HCM.

Quy hoạch thành phố 500.000 người ở Sài Gòn – Quy hoạch Coffyn, 1862. Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, Cef-M11

Ngày 11.4.1861, Phó Đô đốc Charner ra Nghị định lập quy hoạch cho thành phố Sài Gòn. Người chịu trách nhiệm thiết kế là Đại tá Coffyn, Chỉ huy trưởng lực lượng công binh viễn chinh. Bản quy hoạch của Coffyn được đệ trình vào ngày 30.4.1862. Đến ngày 3.10.1865, quy hoạch bắt đầu được thực hiện. Ranh giới của thành phố Sài Gòn bao gồm chủ yếu nơi đã có đông dân cư với diện tích không quá 3 km2 (nằm ở một phần quận 1 ngày nay). Một nghị định khác lập thành phố Chợ Lớn với diện tích không quá 1km2 (nằm gọn trong quận 5 ngày nay).

Coffyn chỉnh sửa ranh giới để thành phố có hình đa giác, thuận tiện cho việc quy hoạch. Vì ba mặt của thành phố đã được bao bọc bằng ba đường nước thiên nhiên rồi, nên phát huy lợi thế ấy. Một con kênh được đào gọi là kênh đấu nối (canal de jonction), nối kênh Tàu Hũ với rạch Thị Nghè bằng một con kênh vòng cung để thành phố trở thành như một hòn đảo, được nước bao quanh bốn phía. Một con đường thẳng góc với thành Phụng (Chasseloup Laubat – Nguyễn Thị Minh Khai) được lấy làm trục chính để từ đó vạch các con lộ lớn chạy song song hay chạy thẳng góc với sông Sài Gòn. Các lộ nhỏ sẽ được phóng sao cho tạo được sự phối hợp hoàn hảo nhất với các lộ chính tùy theo địa hình từng nơi.

Thành phố Sài Gòn và cảng, 1864. Bản đồ được vẽ vào năm 1864 bởi các ông F. Vidalin và Héraud, kỹ sư thủy văn. Nguồn : Thư viện Quốc gia Pháp, Ge D230.

Sài Gòn vào buổi ban đầu, vết tích của thành Phụng vẫn còn rõ. Những xây dựng cơ bản bắt đầu xuất hiện: Bệnh viện, trường học, xưởng đóng tàu (Arsenal) được xây dựng trên xưởng Thủy sư của Nguyễn Ánh trước đây, kho súng, ụ nổi...

Bản đồ thành phố Sài Gòn , 1870 Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp, GE C-2203.

Bản đồ thành phố Sài Gòn, 1878. Được lập bởi Giám đốc Sở Công trình Công cộng; Khắc bởi F. Dufour, 5 đường d’Assas Tỷ lệ 1:12000. Nhà Xuất bản Challamel Ainé, 5 đường Jacob, Nhà in Dufrenay, 34, đường du Four.

Bản đồ có ghi rõ tọa độ của Sài Gòn, thể hiện chủ yếu phần đô thị Bến Nghé, một phần khu vực phụ cận về phía Bắc (phần giáp rạch Thị Nghè) và khu vực ven sông Sài Gòn thuộc xã An Lợi (Thủ Thiêm). Các trục đường quan trọng đã được hình thành như Lê Duẩn hiện nay, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Đặc biệt, dọc theo các đại lộ đều có chấm quy hoạch trồng cây. Các công trình xây dựng được thể hiện bằng các con số sau: 1. Dinh toàn quyền; 2. Tháp nước; 3. Tòa Giám mục; 4. Trường Trung học bản xứ; 5. Dự án Nhà thờ; 6. Câu lạc bộ sĩ quan; 7. Nhà in Quốc gia; 8. Kho bạc; 9. Bưu điện; 10. Đăng ký nhà đất; 11. Địa bạ; 12. Sở Hiến binh; 13. Nhà tù, 14. Tòa án; 15. Dinh Tổng chương lý; 16. Sở Công trình công cộng; 17. Điện tín; 18. Dinh Giám đốc Nội vụ; 19. Sở Giám đốc Nội vụ; 20. Trường d’Adran; 21. Kho hàng, nhà xưởng công trình công cộng; 22. Kho hàng, nhà xưởng công trình địa phương; 23. Kho dầu; 24. Tòa Hòa giải; 25. Chỉ huy Cảng thương mại; 26. Trường Thực tập; 27. Nhà thờ; 28. Phòng Di cư; 29. Sở Cảnh sát.

Sài Gòn, 1881. Đây là một bản khắc nổi, thể hiện cận cảnh, là sông Sài Gòn với rất nhiều tàu thuyền, có ụ nổi, vòng xoay bên bờ sông. Trên đất liền là công trình xây dựng, cây cối...

Được khắc bởi ông A. Lepère; Được vẽ trên gỗ bởi ông A. Clerget. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp, GE-C39.

Nam Kỳ, 1882. Bản đồ địa hình hạt 20 và vùng phụ cận, xuất bản dưới sự chỉ đạo của ông Boilloux, Trưởng phòng Địa chính, thừa lệnh ông Le Myre de Vilers.

Đô thành Sài Gòn, 1958, phần 1 và phần 2.

Ngoài các bản đồ xưa có giá trị, triển lãm cũng trưng bày một số tạp chí đưa tin về quá trình quy hoạch xâ dựng Sài Gòn - TP.HCM.

Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan.

Triển lãm thuộc khuôn khổ chương trình tọa đàm và triển lãm với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai” nhân Ngày Đô thị Việt Nam (8.11) và Ngày Di sản Việt Nam (23.11).

Sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển (CEFURDS) phối hợp với Phuc Khang Corporation, Khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM, Bộ môn Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. HCM, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp TP.HCM và bộ sưu tập tư nhân của ông Phạm Minh Triết.

Ngoài triển lãm các bộ sư tập bản đồ giá trị, chương trình cũng diễn ra tọa đàm với 3 bài tham luận về chủ đề “Phát triển đô thị bền vững: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai”, gồm câu chuyện về phát triển đô thị xanh tại Khu đô thị xanh Làng Sen Việt Nam; Cộng đồng thích ứng ứng ngập lụt và ngập mặn (hạ nguồn sông Dinh, Ninh Thuận); Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của biệt thự cũ dưới góc độ chính sách và cộng đồng (trường hợp tại Quận 3, TP.HCM)...

Tin, ảnh: Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ngam-sai-gon-xua-qua-ban-do-41632.html