Ngâm mình tìm 'lộc trời' ở lòng sông Ngàn Phố

Những ngày này, ngược theo sông Ngàn Phố, từ xã Sơn Tân đến Sơn Châu, Sơn Ninh, Sơn Giang… thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), ở đâu cũng có thể bắt gặp những phụ nữ khom mình cào hến. Công việc nặng nhọc này giúp nhiều người dân có thêm thu nhập mùa hè, sẵn sàng các khoản tiền chuẩn bị cho con vào năm học mới.

Vì mưu sinh, những người phụ nữ đã đội nắng, ngâm mình nhiều giờ dưới sông Ngàn Phố (huyện Hương Sơn) để cào hến

Bắt nguồn từ dãy núi Giăng Màn, sông Ngàn Phố, được ví là dải lụa mềm với dòng chảy hiền hòa, mát ngọt trên đất Hà Tĩnh. Có lẽ thế mà sản vật trên sông Ngàn Phố rất ngon, nhất là hến, từ lâu đời đã trở nên nổi tiếng trong vùng. Không giống như hến được vây nuôi, có quanh năm, hến trên sông Ngàn Phố là hoàn toàn tự nhiên và chỉ có theo mùa, từ tháng 3 đến hết tháng 8.

Những ngày này, người dân ven sông Ngàn Phố đã bắt đầu bước vào mùa cào hến. Công việc nặng nhọc này giúp nhiều người dân có thêm thu nhập

Vì mưu sinh, những người phụ nữ đã đội nắng, ngâm mình nhiều giờ dưới sông Ngàn Phố (huyện Hương Sơn) để cào hến. Hến không chỉ là món ăn quen thuộc của mọi nhà, mà còn là "lộc trời" của những người dân ven sông.

Là một trong những người hành nghề lâu năm trên sông Ngàn Phố, chị Phan Thị Xoan (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) chia sẻ: "Công việc cào hến tuy vất vả vì phải ngâm mình hàng giờ đồng hồ dưới nước nhưng mang lại thu nhập khá cao. Mỗi ngày tôi cào được từ 30-50kg hến. Giá hến được bán từ 10-15 ngàn đồng/kg, mỗi ngày làm khoảng 7h đồng hồ, thu nhập từ 300-500 ngàn đồng".

Tranh thủ kỳ nghỉ hè, các em nhỏ cũng theo chân mẹ ra sông cào hến

Cũng theo chị Xoan, cào hến được xem như là nghề phụ có từ lâu của người dân hai bên bờ sông Ngàn Phố. Với những dụng cụ đơn giản và thao tác thực hiện dễ dàng nên bất kỳ ai cũng có thể làm nghề này. Dụng cụ cào hến được làm bằng tấm lưới sắt và tay cầm được làm từ cây tre hoặc thanh gỗ...

Cào hến trên sông Ngàn Phố không phải là nghề truyền thống của địa phương nhưng mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân xã Sơn Giang nói riêng và nhiều xã lân cận nói chung”.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Nếu không cào hến để kiếm tiền thì chỉ cần mươi lăm phút lội sông là họ đã có bữa cơm với canh hến thơm ngọt. Còn nếu để mưu sinh thì mỗi ngày ngâm mình 6-7 tiếng, thu nhập từ được 300 - 500 ngàn đồng.

Để bắt được những con hến nằm sâu dưới lòng đất, chị Xoan cũng như nhiều người hành nghề khác phải ngâm mình dưới nước, đôi tay nắm chắc cán cào, dùng lực ghì mạnh xuống đáy sông, cùng nhịp đôi chân lùi về phía sau.

Tuy công việc vất vả có phần ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng những người như chị Xoan, chị Thuận… vẫn nở nụ cười tươi vì thành quả sau hàng giờ ngâm mình dưới nước là nguồn thu nhập khá cao.

Hến sau khi được cào lên sẽ được làm sạch trước khi mang đi bán

Nói về những khó khăn của nghề này, bà Nguyễn Thị Thuận (trú xã Sơn Giang) chia sẻ: "Ngâm mình nhiều giờ dưới nước nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe như dễ bị cảm lạnh, tay chân tê cứng… nhưng với chúng tôi đây là công việc mang lại nguồn thu nhập đáng kể trong thời gian nông nhàn.

Gia đình chúng tôi chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, thời gian nông nhàn nếu không có những công việc thế này thì rất khó để trang trải cuộc sống".

Không chỉ mưu sinh, ở một phương diện nào đó, những người làm nghề cào hến trên sông Ngàn Phố còn là người gìn giữ những tập quán sinh hoạt cổ xưa của các làng mạc ven sông. Đó đồng thời là biểu hiện của mối quan hệ cộng sinh hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Quỳnh Nga

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ngam-minh-tim-loc-troi-o-long-song-ngan-pho-20230831120228755.htm