Ngắm bộ sưu tập côn trùng hóa thạch 120 triệu tuổi ở Hà Nội

Trong lớp trầm tích thuộc kỷ nguyên của hệ sinh vật Jehol, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều hóa thạch của các loài côn trùng khác nhau như ong, muỗi, sâu, kiến, ve…

Đây là một mẫu côn trùng hóa thạch thuộc hệ sinh vật Jehol, nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội. Hệ sinh vật Jehol bao gồm tất cả các sinh vật từng sống ở Đông Bắc Trung Quốc trong kỷ Creta, cách đây 133 đến 120 triệu năm.

Trong lớp trầm tích thuộc kỷ nguyên của hệ sinh vật Jehol, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều hóa thạch của các loài côn trùng khác nhau như ong, muỗi, sâu, kiến, ve…

Cụ thể, có ít nhất 500 loài côn trùng đã được xác định trong số hơn 10.000 mẫu hóa thạch vật thu thập được từ các tảng đá ngoài biển phía Bắc tỉnh Hà Bắc và phía Tây tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc.

Những phát hiện này cho thấy, côn trùng là loại hình động vật đa dạng nhất trong hệ sinh vật Jehol, nơi có nhiều hồ và vùng đất ngập nước.

Dù tất cả các loài côn trùng thuộc hệ sinh vật Jehol đã tuyệt chủng, hậu duệ của chúng vẫn có thể được tìm thấy trên khắp thế giới, với sự biến đổi rất ít sau hơn 100 triệu năm.

Ngày nay, có từ 6 – 10 triệu loài côn trùng còn tồn tại, là nhóm động vật đa dạng nhất hành tinh, đại diện cho 90% dạng sống của các loài động vật khác nhau trên Trái đất.

Đặc điểm chung của tất cả các loài côn trùng là có bộ xương ngoài làm bằng kitin, cơ thể có ba phần (đầu, ngực và bụng), ba cặp chân, mắt kép và một cặp râu.

Côn trùng có thể sống được ở hầu hết các môi trường sống, nhưng phổ biến nhất là ở trên cạn. Chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ số loài côn trùng sống ở biển và đại dương, nơi động vật giáp xác chiếm ưu thế hơn...

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ngam-bo-suu-tap-con-trung-hoa-thach-120-trieu-tuoi-o-ha-noi-1980362.html