Ngắm áo dài Việt Nam qua các thời kỳ tại Bảo tàng Áo Dài

Là nơi lưu giữ, vinh danh những giá trị văn hóa, hồn cốt của trang phục áo dài Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, Bảo tàng Áo Dài (tọa lạc tại P.Long Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM) là điểm đến dành cho khách du lịch trong và ngoài nước để lắng nghe những câu chuyện về chiếc áo dài đã gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam.

Không gian trưng bày áo dài tại Bảo tàng Áo Dài (TP.HCM)

Trang phục áo dài trong hát dân ca, ví dặm

Áo dài thời vương triều nhà Nguyễn

Trang phục áo dài trong dịp lễ, tết, sự kiện trang trọng của người phụ nữ Việt Nam

Nằm giữa không gian thiên nhiên xanh mát và thơ mộng, Bảo tàng Áo Dài với lối kiến trúc theo phong cách nhà rường Quảng Nam và truyền thống đặc trưng Nam bộ đã mở ra một không gian bình yên, tĩnh lặng chất chứa những hoài niệm về thời xa xưa.

Áo dài của các nhân vật nổi tiếng có đóng góp lớn trong lĩnh vực chính trị - xã hội thế kỷ XX

Áo dài của các nhân vật nổi tiếng thế kỷ XX

Tại khu nhà trưng bày các tư liệu lịch sử về trang phục áo dài qua các thời kỳ và những kỷ vật áo dài của những nhân vật nổi tiếng có đóng góp lớn trong lĩnh vực chính trị - xã hội vào khoảng thế kỷ XX, khách tham quan được nghe những câu chuyện về chiếc áo dài tứ thân từ thế kỷ XVII (khoảng năm 1645), áo dài năm thân (khoảng năm 1884), áo dài thời vương triều nhà Nguyễn cho đến áo dài tân thời, áo dài hiện đại ngày nay…

Cùng với những câu chuyện về chiếc áo dài qua các thời kỳ, những kỷ vật áo dài từ những nhân vật nổi tiếng có đóng góp lớn trong lĩnh vực chính trị - xã hội vào khoảng thế kỷ XX đã mang hình ảnh áo dài trong những chuyến ngoại giao, biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài như: GS-TS Trần Văn Khê; các nghệ sĩ nhân dân: Đặng Hùng - Vương Linh, Trà Giang, Hồng Vân, Phùng Há, Bạch Tuyết… đã tạo nên sự phong phú, những câu chuyện hấp dẫn về tà áo dài Việt Nam.

Khách du lịch chụp hình lưu niệm trước cổng Bảo tàng Áo Dài

Đến Bảo tàng Áo Dài không chỉ để lắng nghe những câu chuyện về áo dài qua các thời kỳ, du khách còn được trải nghiệm những công việc của nghề may áo dài, mặc thử áo dài, đặc biệt là hình ảnh những chiếc áo dài gắn với các hoạt động của những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là đại diện của nhân loại như: quan họ, ví dặm, đờn ca tài tử, múa nhạc cung đình Huế…

Khách du lịch chụp hình lưu niệm trước cổng Bảo tàng Áo Dài

Với những hiện vật, tư liệu quý về chiếc áo dài Việt Nam, Bảo tàng Áo Dài đã mang đến cho du khách có thêm những góc nhìn về lịch sử, sự độc đáo của trang phục áo dài. Đối với những du khách người Việt thì tăng thêm niềm kiêu hãnh về trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Được thành lập năm 2014, Bảo tàng Áo Dài là một trong những bảo tàng tư nhân tại TP.HCM, thuộc nhóm bảo tàng chuyên đề của Sở Du lịch TP.HCM, do họa sĩ - nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng khởi xướng và xây dựng từ ý tưởng. Bảo Tàng Áo Dài đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tại Tuần lễ Văn hóa, du lịch và ẩm thực Đồng Nai năm 2023 (từ ngày 24 đến 26-11) sẽ có hoạt động giới thiệu văn hóa áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, do Bảo tàng Áo Dài tại TP.HCM thực hiện.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202311/ngam-ao-dai-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-tai-bao-tang-ao-dai-99b2b89/