Nga tính bổ sung đường ống dẫn dầu vào dự án cấp bách với Trung Quốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/5 cho biết một đường ống dẫn dầu thô có thể được bổ sung vào dự án Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) đã được lên kế hoạch để vận chuyển khí đốt tới Trung Quốc.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài hai ngày, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông và ông Tập Cận Bình đều thể hiện sự quan tâm trong việc xúc tiến dự án đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2).

“Hơn nữa, có thể đặt song song cả đường ống dẫn khí và đường ống dẫn dầu”, ông Putin nói, dường như làm sống lại ý tưởng đã được thảo luận từ năm 2018.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/5/2024. (Anhr: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/5/2024. (Anhr: Sputnik)

Tuy nhiên, ông cho biết cũng có những lựa chọn khác để cung cấp năng lượng của Nga cho Trung Quốc, bao gồm cả bằng tàu chở dầu dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc qua Bắc Cực.

Ông nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình: “Tất cả các phương án đều có thể thực hiện được, đều có thể chấp nhận được và khả thi về mặt kinh tế. Cần phải chọn phương án tốt nhất. Tôi chắc chắn rằng công việc này cũng sẽ sớm hoàn thành”.

Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc vào năm ngoái khi Bắc Kinh nhập khẩu lượng dầu giảm giá kỷ lục của Nga. Số liệu Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy năm ngoái, Nga giao sang nước này số dầu thô kỷ lục hơn 107 triệu tấn, tương đương 2,14 triệu thùng một ngày. Con số này vượt xa các nước xuất khẩu dầu lớn khác, như Arab Saudi và Iraq.

Tham vọng nhưng nhiều trở ngại

Bất chấp những bình luận lạc quan của ông Putin và sau nhiều năm thảo luận về Sức mạnh Siberia 2, Nga và Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận để tiến hành xây dựng nó.

Dự án này càng trở nên cấp bách hơn đối với Nga khi nước này nỗ lực tăng cường vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu sang châu Âu vì cuộc chiến ở Ukraine.

Nga hiện chuyển khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 1, bắt đầu hoạt động vào năm 2019.

Nga hiện chuyển khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 1, bắt đầu hoạt động vào năm 2019.

Ông Putin cho biết đây là một quá trình phức tạp bao gồm các vấn đề về giá cả, nhưng nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc cần năng lượng và không có nhà cung cấp nào đáng tin cậy hơn Nga. Ông cho biết dự án cũng sẽ miễn nhiễm với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

"Không ai có thể cản trở việc này, kể cả các biện pháp trừng phạt đối với đội tàu chở dầu hay thậm chí là các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính. Chúng tôi sẽ mua và bán mọi thứ bằng tiền tệ quốc gia của mình. Vì vậy, sự quan tâm từ cả hai bên đã được xác nhận, nhà lãnh đạo Nga khẳng định.

Theo kế hoạch, đường ống này sẽ vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ khu vực Yamal ở miền bắc nước Nga sang Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết các cuộc đàm phán năng lượng giữa Moscow và Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở đường ống dẫn khí khổng lồ mà còn “có những dự án mới khác".

Nga hiện chuyển khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 1, bắt đầu hoạt động vào năm 2019 và chạy qua miền đông Siberia đến đông bắc Trung Quốc.

Các chuyên gia nói rằng vì Trung Quốc dự kiến sẽ không cần nguồn cung cấp khí đốt bổ sung cho đến sau năm 2030, Bắc Kinh có thể phải mặc cả về giá cho đường ống thứ hai đi qua Siberia.

Moscow chưa cho biết chi phí cho chặng đường dài 2.600km của đường ống Sức mạnh Siberia 2 là bao nhiêu hoặc nguồn tài chính sẽ như thế nào. Một số nhà phân tích ước tính chi phí lên tới 13,6 tỷ USD.

Minh Đăng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nga-tinh-bo-sung-duong-ong-dan-dau-vao-du-an-cap-bach-voi-trung-quoc-d110933.html