Nga thử nghiệm siêu đầu đạn hạt nhân có khả năng hủy diệt lớn

Nga vừa phóng thử tên lửa đạn đạo RS-18 mang theo đầu đạn trượt siêu thanh, Daily Mail đưa tin.

Quân đội Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo RS-18 mang theo đầu đạn trượt siêu thanh mới trong một chương trình thử nghiệm hôm 25/10, theo RT.

Tên lửa đạn đạo R-18 của Nga. (Ảnh: AFP)

Trước đó, hồi đầu tuần này, Nga mới hé lộ hình ảnh đầu tiên của RS-28 “Sarmat”, siêu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Giới quan sát nhận định vụ phóng tên lửa đạn đạo đời cũ RS-18 nhằm thử nghiệm đầu đạn hạt nhân thế hệ mới được dùng trên siêu tên lửa RS-28 có khả năng “quét sạch” nước Anh và có sức công phá gấp 2.000 lần so với bom nguyên tử ở Hiroshima.

Trang tin quốc phòng MilitaryRussia.ru nhận định rằng vụ phóng nhằm kiểm tra tính năng kỹ thuật của đầu đạn thuộc dự án mang tên “vật thể 4202”, hay Aeroballistic Hypersonic Warhead, có thể đánh bại những hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất của Mỹ.

Cuộc thử nghiệm mới nhất được cho là tiến hành tại một địa điểm gần thị trấn Yasny, khu vực Orenburg, miền nam Urals, và đầu đạn đã tới khu vực thử tên lửa Kura ở Kamchatka, vùng viễn đông Nga.

“Thử nghiệm đã thành công. Đầu đạn đã được đưa tới bãi thử Kura”, Bộ Quốc phòng thông tin.

Loại đầu đạn này có khả năng lượn tới tiếp cận mục tiêu ở tốc độ siêu thanh. Mỗi tên lửa liên lục địa thế hệ mới có khả năng mang theo 10 đến 16 đầu đạn để tấn công nhiều mục tiêu riêng rẽ khác nhau trong một loạt bắn.

Một vài quốc gia trên thế giới cũng đang phát triển loại đầu đạn tương tự. Mỹ phát triển dự án HTV-2 đã thử nghiệm 2 vụ thành công, còn Trung Quốc có loại đầu đạn giống của Nga mang tên DF-ZF, thử nghiệm từ năm 2014. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu công nghệ bay siêu thanh.

Phương tiện trượt siêu thanh (HGV) khác với đầu đạn tên lửa đạn đạo thông thường là nó di chuyển phần lớn hời gian ở tầng bình lưu chứ không phải trong vũ trụ. Điều này giúp tên lửa gắn HGV có tầm bắn lớn hơn và khiến hệ thống phòng thủ tên lửa có ít thời gian phản ứng hơn.

Đặc biệt, HGV có thể đổi hướng trong khi tiếp cận với mục tiêu ở tốc độ cao, khiến cho việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn.

Đầu đạn “vật thể 4202” có thể được sử dụng với tên lửa chiến lược thế hệ tiếp theo của Nga, RS-28 Sarmat. Các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa liên lục địa này có thể mang theo 3 HGV.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nga-thu-nghiem-sieu-dau-dan-hat-nhan-co-kha-nang-huy-diet-lon-a304269.html