Nga sử dụng xe tăng T-55 'nã pháo' liên tục ngăn đối phương vượt sông

Hải quân đánh bộ Nga trên bờ đông Dnieper dùng xe tăng T-55 như pháo tự hành để tấn công tầm gần cứ điểm Ukraine bên kia sông, ngăn đối phương đổ bộ.

"Xe tăng thuộc lữ đoàn hải quân đánh bộ cận vệ độc lập số 810 của Hạm đội Biển Đen phá hủy các công sự ngụy trang của Ukraine ở bờ tây sông Dnieper", kênh Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/1 đưa tin.

Video công bố cùng ngày cho thấy một số xe tăng T-55, của hải quân đánh bộ Nga trên bờ đông Dnieper nã pháo vào vị trí của đối phương bên kia sông.

Kíp lái xe tăng này còn bắn trúng một chiếc xuồng đang di chuyển trên sông Dnieper.

"Để tránh nguy cơ phương tiện bị đối phương tấn công, kíp lái sử dụng xe tăng như pháo tự hành, khai hỏa từ vị trí kín đáo theo góc cao", hãng tin Zvezda viết.

"Các quân nhân sử dụng máy bay không người lái (UAV) xác định vị trí đối phương, giúp kíp lái hiệu chỉnh bắn", hãng tin Zvezda cho biết thêm.

Theo Zvezda, các kíp tăng T-55 của hải quân đánh bộ Nga tập kích cứ điểm của Ukraine bên kia sông "suốt ngày đêm", ngăn đối phương luân chuyển quân giữa hai bờ.

"Nhờ nỗ lực thành công của lực lượng chống đổ bộ ở bờ đông Dnieper, các đơn vị của chúng tôi có thể ngăn cản mọi đợt đổ quân và tấn công do Ukraine phát động", quân nhân Nga điều khiển UAV có tên Turist nói.

Việc biến xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 thành pháo tự hành được coi là bước đi phù hợp của quân đội Nga, trong bối cảnh họ dang phải đối mặt với các loại vũ khí chống tăng hiện đại từ đối phương.

Nga đã tái biên chế hàng loạt xe tăng T-55 sau khi nước này chịu thiệt hại lớn về tăng thiết giáp trong xung đột Đông Âu.

Tuy nhiên khi tung vào chiến trường, quân đội Nga đã quyết định sử dụng xe tăng T-55 như một pháo tự hành thay vì xe tăng xung kích.

Chiến trường Đông Âu đang có sự xuất hiện của hàng ngàn vũ khí chống tăng hiện đại, trong khi đó lớp giáp mỏng của T-55 sẽ khiến cho chúng dễ bị tổn thương.

Vì thế thay vì vai trò xung kích, xe tăng T-55 sẽ đóng vai trò như pháo tự hành, chúng sẽ bắn vào phòng tuyến đối phương và ngay sau đó cơ động để tránh phản pháo.

T-54/55 là một thế hệ xe tăng sản xuất tại Liên Xô và trang bị cho quân đội nước này từ năm 1947.

Đây là mẫu xe tăng sản xuất nhiều nhất trong lịch sử với tổng số 95.000 xe được xuất xưởng.

T-54 xuất hiện lần đầu năm 1949 như một mẫu tăng hạng trung thay thế cho T-34 thời Thế chiến II.

Nguyên mẫu T-54 đầu tiên được hoàn thành năm 1946 và được chế tạo lần đầu năm 1947.

T-54 liên tục được sản xuất và cải tiến và sau đó được đổi tên thành T-55.

T-55 ra mắt vào năm 1958 mà không có khác biệt căn bản trong thiết kế.

Việc sản xuất loại xe này tiếp tục đến tận năm 1981 ở Liên Xô và đồng thời chúng được sản xuất ở Trung Quốc (Type 59), Tiệp Khắc và Ba Lan.

Một số lượng lớn xe tăng T-54/55 vẫn đóng vai trò quan trọng trong lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô vào cuối thập niên 1970 đầu 1980.

Tuy nhiên tới giữa thập niên 1980, toàn bộ xe tăng T-54/55 đã bị Liên Xô thay thế bằng T-62, T-64, T-72 và T-80 tại các đơn vị xe tăng của Hồng quân Liên Xô.

T-54/55 được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột như Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968 và Syria năm 1970.

Đây cũng chính là xe tăng chủ lực của các nước Ả Rập trong cuộc chiến 1967 và 1973 với Israel.

Trong thập niên 1960, xe tăng T-54/55 cũng tham chiến ở Việt Nam, Campuchia và Uganda.

Về trang bị vũ khí, xe tăng T-54/55 sử dụng pháo chính có cỡ nòng 100mm và có một lỗ thoát hiểm ở gần chân nòng.

Ngoài pháo chính còn có một súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy phòng không cỡ nòng 12,7mm.

Xe được trang bị động cơ diesel V12 làm mát bằng nước với công suất 580 mã lực, tăng tầm hoạt động lên 500 km (lên tới 715 km với hai bình xăng phụ, mỗi bình 200 lít).

Xe tăng T-54/55 có thể lội qua độ sâu 1,4m mà không cần chuẩn bị trước, có thiết bị thông hơi cho phép nó vượt qua độ sâu lên đến 5,5m.

Thiết bị này cần phải được chuẩn bị trước từ 15 đến 30 phút, nhưng có thể được vứt bỏ ngay sau khi ra xe tăng ra khỏi nước.

Về hệ thống ngắm bắn, trưởng xe được trang bị hệ thống TKN-1 có độ phóng đại 2,75x cho phép người chỉ huy xác định các mục tiêu kích cỡ xe tăng ở khoảng cách khoảng 400 mét.

Trong khi đó ở vị trí xạ thủ là hệ thống ngắm TPN-1-22-11 có độ phóng đại cố định là 5,5x và trường nhìn rộng 6°, cho phép xạ thủ xác định mục tiêu xe tăng ở khoảng cách 800 mét.

Giống như T-34, xe tăng T-54/55 được thiết kế để có thể sản xuất nhanh với chi phí rẻ. Vào thập niên 1970, mỗi chiếc T-54/55 có giá khoảng 115.000 USD, chỉ bằng 37% so với giá 1 chiếc M48 Patton của Mỹ.

Hiện nay xe tăng T-54/55 vẫn được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-su-dung-xe-tang-t-55-na-phao-lien-tuc-ngan-doi-phuong-vuot-song-post566291.antd