Nga- phương Tây: Ngày càng gần hơn?

Anh là nước gần đây nhất cảm nhận được sự thay đổi trong thái độ của Mátxcơva với các nước phương Tây. Nước này đang chạy đua với Mỹ và các nước châu Âu khác để cải thiện quan hệ với Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn nút khởi động lại quan hệ với Mátxcơva, trong khi quan hệ giữa Nga với các nước châu Âu khác cũng sẽ trở nên sâu sắc hơn sau hội nghị thượng đỉnh tại khu nghỉ dưỡng Deauville (Pháp) của các nước Pháp, Đức và Nga vào cuối tháng 10 này. Trước bối cảnh đó, Anh không muốn chậm chân trong việc hâm nóng lại quan hệ với Nga. Tuần này Ngoại trưởng Anh William Hague sẽ tới Nga - chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. Tổng thống Medvedev là người giữ vai trò chủ chốt trong cải thiện quan hệ với các nước phương Tây nói chung, với Anh nói riêng. Hơn ai hết, ông là người nhận thức rõ nền kinh tế Nga phát triển không toàn diện và phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Để thay đổi thực trạng này, Mátxcơva cần sự hỗ trợ của các nước phương Tây. Ông Jeffrey Mankoff, chuyên viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại New York, cho rằng "kể từ cuộc chiến với Gruzia năm 2008, chính sách đối ngoại của Nga đã bắt đầu thay đổi theo hướng hợp tác với phương Tây. Mục đích của sự thay đổi này là Nga muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với các nước giàu. Chiến lược đối ngoại của Medvedev cho thấy sự hạn chế trong ảnh hưởng của Nga chính là hệ quả của việc thiếu khả năng cạnh canh toàn cầu." Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy mong muốn cải thiện của Nga với các nước phương Tây. Mátxcơva đồng ý áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran và hủy bỏ việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Tehran. Nga cũng đồng ý đưa vụ tranh chấp ranh giới Bắc cực với Na Uy ra diễn đàn Liên Hợp Quốc để giải quyết. Mong muốn cải thiện quan hệ Nga - Mỹ là một trong những động lực của chuyến thăm năm nay tới California của Tổng thống Medvedev và chuyến thăm của thị trưởng California Arnold Schwarzenegger tới Mátxcơva trong tuần này. Chính phủ Anh cũng mong muốn gác lại bất đồng để tập trung cải thiện quan hệ với Nga, đặc biệt là quan hệ kinh tế - thương mại. Bất đồng giữa Nga và Anh hiện nay liên quan đến vụ đầu độc điệp viên lưu vong Nga tại Luân Đôn Alexander Litvinenko. Anh muốn dẫn độ Andrei Lugovoi về nước xét xử và đóng cửa tất cả các văn phòng của Hội đồng Anh tại Nga, trừ các văn phòng tại Mátxcơva. Trong chuyến thăm Nga tuần này, Ngoại trưởng Hague sẽ đề cập tới vấn đề này nhưng sẽ không quá gay gắt và cứng rắn. Phía Nga cũng muốn gác lại bất đồng với Anh. Việc Tổng thống Medvedev tiếp kiến Ngoại trưởng Hague là một minh chứng cho thiện chí đó. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy quan hệ Nga - phương Tây đang tan băng? Không hẳn như vậy. Quan hệ tình báo giữa Nga và Anh chưa được cải thiện rõ rệt mặc dù Anh đã chủ động đề nghị Nga trợ giúp ngăn chặn việc vận chuyển ma túy từ Afghanistan. Mỹ thì lo ngại rằng mặc dù thất bại trong việc ngăn chặn sự mở rộng NATO nhưng Mátxcơva vẫn muốn cô lập Mỹ khỏi các nước châu Âu thông qua đề xuất một hiệp ước an ninh với châu Âu. Hiệp ước này sẽ tăng cường ảnh hưởng của Nga với các nước láng giềng. Điều này khiến cho Washington, London và nhiều nước láng giềng của Nga quan ngại. Các quan chức Anh lo lắng trước tin đồn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tham vọng phát triển mối quan hệ an ninh gần gũi hơn với Nga. Chắc chắn mọi động thái trong hội nghị thượng đỉnh tại Deauville tới đây sẽ được giới quan sát theo dõi chặt chẽ để có thêm cơ sở khẳng định về sự tan băng trong quan hệ Nga - phương Tây. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại rằng quá trình tan băng này sẽ bị chậm lại nếu như Thủ tướng Putin tái cử tổng thống. Lam Sơn

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2010/10/C19CD18A69CAE881/