Nga ở lại Syria sau khi quét sạch IS, Mỹ thở dài

Sự hiện diện thường trực của Nga tại Syria sẽ là bức tường mà Mỹ bắt buộc phải vượt qua nếu như muốn thực hiện kế hoạch Trung Đông.

Mới đây, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga, ông Franz Klintsevich cho biết, chiến dịch quân sự tại Syria có thể kết thúc trong cuối năm nay, nhưng sau đó Nga sẽ không cắt giảm lực lượng quân sự của mình tại đây sau đó.

"Liên quan tới lực lượng quân sự này, chúng tôi có căn cứ quân sự ở đó và tôi không nghĩ là cần thiết phải cắt giảm. Ở đó có 34 máy bay, và loại bỏ chúng cũng không có ý nghĩa gì", ông Klintsevich khẳng định.

Giới phân tích cho rằng, việc Nga không cắt giảm lực lượng quân sự tại Syria sau khi quét sạch IS là vì 3 lý do chính:

Thứ nhất, chủ nghĩa khủng bố có thể hồi sinh bất cứ lúc nào tại Syria. Chỉ cần một biến động nhỏ cũng có thể giúp IS trỗi dậy. Tại một số khu vực ở Syria, người dân thậm chí còn ủng hộ và giúp đỡ IS. Do vậy, để có thể ứng phó nhanh, tránh chủ nghĩa khủng bố lan rộng, vượt quá tầm kiểm soát, Nga vẫn phải duy trì lực lượng tại Syria.

Thứ hai, sau khi quét sạch IS, chính phủ Syria sẽ phải đối mặt với vấn đề lớn hơn, đó là phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn. Nội chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như các cuộc đàm phán cho tương lai của Syria thất bại. Lực lượng Nga cần duy trì để đảm bảo rằng, thỏa thuận giữa các bên được diễn ra một cách thuận lợi.

Lực lượng đặc nhiệm Nga chiến đấu tại Syria

Thứ ba, Nhà Trắng vẫn chưa xác định được chiến lược cho bước tiếp theo trong công cuộc khôi phục ổn định ở Trung Đông sau khi quét sạch IS, từ vấn đề vùng an toàn, tái thiết, giảm căng thẳng sắc tộc cho tới cam kết của quân đội Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng chưa có chính sách cụ thể với Nga và Iran – hai lực lượng đối đầu với Mỹ ở Syria.

Hồi tháng 7/2017, Lầu Năm Góc nói rằng, chỉ có mục đích đánh bại IS và không có ý định bị lôi vào cuộc xung đột với Iran. Ông Mattis nói trong chuyến thăm châu Âu họp hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO: "Chúng tôi từ chối bị lôi vào một cuộc xung đột trong nội chiến Syria".

Theo ông Mattis, các chiến dịch và kế hoạch quân sự ngày càng khó khăn ở đông Syria vì lực lượng Mỹ và các tay súng do Mỹ hậu thuẫn ở rất gần so với lực lượng Nga, Iran và Syria.

Chỉ hai ngày sau, ông McMaster lại trình bày một viễn cảnh khác của Mỹ tại Syria. Ông gọi cuộc chiến chống IS là một phần trong chiến dịch rộng hơn nhằm ngăn chặn nhóm khủng bố xuyên quốc gia này bám rễ sâu.

Tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, ông thậm chí còn phát biểu về chính sách Mỹ giai đoạn hậu IS, nói rằng Mỹ sẽ tập trung cô lập Iran và các dân quân Shiite ở Iraq cũng như phong trào Hezbollah ở Lebanon.

Trong khi giới diều hâu ở Nhà Trắng muốn kiềm chế Iran thì Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc lại tìm cách "hãm phanh" để tránh xung đột trực diện.

Tuy nhiên, nhìn lại cái cách mà Mỹ đang thực hiện ở Deir Ezzor, đó là cố gắng giúp Lực lượng Dân chủ Syria chiếm giữ những mỏ dầu chiến lược, có thể thấy Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ miếng bánh ngọt Syria.

Sự hiện diện thường trực của Nga tại Syria sẽ là bức tường mà Mỹ bắt buộc phải vượt qua nếu như muốn thực hiện kế hoạch Trung Đông của mình.

Trường An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-o-lai-syria-sau-khi-quet-sach-is-my-tho-dai-3345323/