Nga nhận định: Đồng rúp giảm giá không có gì đáng lo ngại

Nga không coi sự mất giá gần đây của đồng rúp là vấn đề 'không thể vượt qua', bởi các yếu tố ảnh hưởng đến đồng tiền này là có thể quản lý và phần lớn là tạm thời, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hôm thứ Ba.

Theo nhà lãnh đạo Nga, một trong những yếu tố này là sự trở lại của thu nhập ngoại tệ của các nhà xuất khẩu lớn và yếu tố khác là sự gia tăng nhập khẩu.

“Khi tỷ giá đồng rúp là 60 đổi một đô la, chúng tôi vẫn chưa thiết lập chuỗi hậu cần cho hàng nhập khẩu. Hiện nay, hàng nhập khẩu đang đến thị trường của chúng ta với số lượng ngày càng lớn, điều đó có nghĩa là nhu cầu ngoại tệ ngày càng tăng”, ông nói.

 Ảnh: Getty Images / Winslow Productions.

Ảnh: Getty Images / Winslow Productions.

Đồng thời, Tổng thống Nga còn nhận định: “Có những yếu tố khác, nhưng nói chung chúng có thể quản lý được. Chúng tôi đã lường trước mọi điều và ngân hàng trung ương có thể đối phó với chúng”.

Tổng thống cho biết tình hình này đòi hỏi phải có hành động từ các cơ quan tài chính của Nga, nhưng nhìn chung không có gì phải lo lắng.

Đồng rúp đã giảm dần trong suốt hai tháng qua, trượt xuống mức thấp nhất trong 16 tháng so với đồng đô la và đồng euro vào giữa tháng 8. Các nhà kinh tế đã liên kết sự mất giá với khối lượng doanh thu ngoại hối thấp của các nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, đồng tiền đã phục hồi sau khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản lên 12%. Đồng rúp mạnh lên hơn nữa trong phiên giao dịch hôm thứ Ba trên Sàn giao dịch Moscow lên 92 so với đồng đôla và 99 so với đồng euro.

Ngân hàng Trung ương Nga dự báo lạm phát sẽ lên tới 6,5% vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng tình trạng mất giá nhanh chóng của đồng rúp có thể khiến giá cả tăng cao hơn nữa trong 3 đến 6 tháng tới và tỷ lệ lạm phát có thể đạt hai con số vào cuối năm nay, kể cả sau khi Ngân hàng Trung ương thực hiện đợt tăng lãi suất khẩn cấp trong tháng này, hiện ở mức 12%, để nỗ lực kiểm soát tình hình.

Kể từ tháng 11/2022, đồng rúp mất hơn 1/3 giá trị, phần lớn là do tác động của các lệnh trừng phạt áp vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga từ cuối năm 2022, khi Liên minh châu Âu và G7 cấm hầu hết nhập khẩu dầu của Nga. Một số quốc gia áp trần giá đối với dầu thô của Nga, ở mức không quá 60 USD/thùng.

Khánh Vy (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-nhan-dinh-dong-rup-giam-gia-khong-co-gi-dang-lo-ngai-post264505.html