Nga-Mỹ căng thẳng hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh vì những đòn trả đũa

Sau các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga, căng thẳng giữa Moscow và Washington ở mức cao độ, thậm chí còn cao hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Với Tổng thống Mỹ, dường như ông không còn cơ hội bình thường hóa mối quan hệ với Nga.

Đạn đã lên nòng…

Việc Nga giảm khoảng 60% nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc ở các Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Moscow mới chỉ là bước đầu trong “loạt đòn” mà nước này tung ra nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mới. Tổng thống Putin cảnh báo, Nga có thể bổ sung thêm các biện pháp đáp trả nếu ông Trump ký dự luật.

Trước đó, vào ngày 27/7, Quốc hội Mỹ thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cáo buộc tin tặc Nga tấn công mạng bầu cử Mỹ 2016. Dự luật này được cho là sẽ ngăn chặn Tổng thống Mỹ Donald Trump "nới lỏng” lệnh trừng phạt hiện có sẵn với Nga, cũng như nó có đủ số phiếu đa số để “dập tắt” quyền phủ quyết của Tổng thống.

Tổng thống Putin gọi những trừng phạt mới của Mỹ là động thái làm xấu đi quan hệ giữa hai nước. Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng đây là những trừng phạt trái pháp luật nhằm tác động tới nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có những đồng minh của Nga cũng như những nước muốn phát triển và duy trì quan hệ với Nga.

Tổng thống Putin cảnh báo, Nga có thể bổ sung thêm các biện pháp đáp trả nếu ông Trump ký dự luật.

“Chúng tôi đã chờ đợi rất lâu những thay đổi tốt hơn trong quan hệ với Mỹ. Chúng tôi đã hy vọng tình hình sẽ thay đổi tích cực. Nhưng nhìn vào thực tế thì sẽ không có gì thay đổi trong tương lai gần. Tôi đã quyết định rằng đây là lúc Nga cần có câu trả lời và sự đáp trả cho mọi thứ”, ông Putin cho biết.

Trong khi đó, bộ Ngoại giao Mỹ gọi quyết định trả đũa của ông Putin là “đáng tiếc và không cần thiết”. Phía Mỹ cũng đang cân nhắc sẽ đáp trả như thế nào. Đây được xem là giai đoạn ngoại giao căng thẳng nhất giữa Washington và Moscow kể từ Chiến tranh lạnh.

Theo ông Paul Craig Roberts, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, động thái trừng phạt mới đối với Nga được cho là có lợi cho ngành năng lượng cũng như tổ hợp an ninh – quân sự của Mỹ. Ông Paul Craig Roberts nhận xét dự luật mà Quốc hội Mỹ thông qua cực kỳ nguy hiểm.

Thứ nhất, nó ngăn cản Tổng thống Trump “bình thường hóa” mối quan hệ với Nga trong khi căng thẳng giữa hai bên hiện nay leo thang cao độ. Thứ hai, dự luật này gây sức ép kinh tế lên Nga. Dự luật được tạo ra nhằm thay thế đối tác bán khí đốt thiên nhiên cho châu Âu đang từ Nga chuyển sang Mỹ. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới đồng ruble, khiến nước Nga cô lập khỏi châu Âu hơn. Đó là sức ép kinh tế có thể dẫn tới chiến tranh.

…Đôi bên cùng tổn hại

Quốc hội Mỹ sẽ nhận được những đóng góp về mặt chính trị từ ngành năng lượng Mỹ cũng như từ phía tổ hợp an ninh – quân sự vì dự luật này chủ yếu được tạo ra nhằm phục vụ cho lợi ích của hai ngành trên.

Đồng thời dự luật này cũng cho thấy Quốc hội Mỹ rõ ràng đã đặt xung đột với Nga trở thành mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ. “Tôi đã làm rõ vấn đề này từ lâu. Cách duy nhất mà Moscow có thể đạt được thỏa thuận với Washington là đầu hàng và chấp nhận sự thống trị của Mỹ”, ông Paul Craig Roberts nhận định.

Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại Moscow.

Giáo sư danh dự chuyên ngành Luật quốc tế tại đại học Ohio chia sẻ, điều đáng quan tâm nhất sau sự đáp trả của Nga chính là thông điệp Tổng thống Putin dường như đã có kết luận cho riêng mình, đó là không thể thu được gì nếu cứ bỏ qua các động thái khiêu khích của Mỹ với hy vọng sự nhẫn nhịn sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai nước.

“Nga rõ ràng đã mất hy vọng về một mối quan hệ tốt đẹp hơn với chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump”, ông Quigley nhận xét.

Tổng thống Donald Trump đã, đang và sẽ chịu áp lực mạnh về chính trị nếu muốn cải thiện mối quan hệ với Nga, đặc biệt khi những cáo buộc cho rằng đội ngũ tranh cử của ông Trump đã thông đồng với đối tác Nga trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016 vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, Giáo sư Quigley cho hay.

Với Tổng thống Mỹ, dường như ông không còn cơ hội bình thường hóa mối quan hệ với Nga. Nếu như ông Trump không ký dự luật, truyền thông sẽ viện cớ này làm bằng chứng ông ưu tiên Nga và điều đó có thể dẫn đến tình huống ông bị luận tội.

Xem thêm >> TT Putin ‘tung đòn sấm sét’ trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ

Đào Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nga-my-cang-thang-hon-ca-thoi-ky-chien-tranh-lanh-vi-nhung-don-tra-dua--a334234.html