Nga gặp khó chuyện cung ứng vũ khí cho châu Phi, Trung Quốc 'dòm ngó' thị phần

Trừng phạt từ phương Tây dường như khiến chuỗi cung ứng vũ khí và trang thiết bị quân sự Nga cho châu Phi gặp khó. Đây có thể là cơ hội để Trung Quốc chiếm lấy thị phần ở khu vực này.

Không thể phủ nhận rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất cho châu Phi. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên nước này có thể khiến chuỗi cung ứng vũ khí và trang thiết bị quân sự Nga cho châu Phi gặp khó. Điều này có thể tạo ra một cơ hội để Trung Quốc chiếm lấy thị phần mà Nga tạm thời bỏ trống ở khu vực này, theo tờ South China Morning Post.

Nga là “ông trùm” bán vũ khí ở châu Phi

Theo các nhà phân tích, vũ khí của Nga chiếm gần một nửa tổng vũ khí mà các nước châu Phi mua của nước ngoài.

Các hạn chế tài chính và các lệnh cấm khác do Mỹ và nhiều nước châu Âu áp lên Nga vì nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine gây tổn hại đến chuỗi cung ứng và sản xuất thiết bị quân sự của Nga.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi của ĐH Quốc phòng ở thủ đô Washington (Mỹ) Joseph Sieglecho biết Algeria, Ai Cập, Sudan và Angola lần lượt là các khách hàng châu Phi mua nhiều vũ khí nhất của Nga.

Một đại biểu của đoàn châu Phi thử vũ khí Nga trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi 2019. Ảnh: TASS

Ông Siegle đánh giá: “Điều này rất có ý nghĩa vì nó nhấn mạnh nỗ lực của Nga trong việc thiết lập chỗ đứng ở bắc Phi. Cùng với sự hỗ trợ của Moscow đối với lãnh đạo Libya - ông Khalifa Hifter, việc Nga bán vũ khí cho các nước nói trên đã thiết lập sự hiện diện quân sự của Nga dọc theo sườn phía Nam của NATO, cho phép Nga gây ảnh hưởng ở phía đông Địa Trung Hải và các địa điểm tối quan trọng của thế giới ở Kênh đào Suez và Bab al-Mandab - một eo biển giữa vùng sừng châu Phi và bán đảo Ả Rập”.

Cung ứng vũ khí Nga cho châu Phi gặp khó, Trung Quốc có cơ hội

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự tại ĐH Stellenbosch ở Nam Phi Moses B. Khanyile cho biết với việc châu Phi có nhiều khí tài quân sự của Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến việc bảo trì, sửa chữa và đại tu các thiết bị trở nên khó khăn hơn, đồng thời cho rằng “khoảng trống” mà Nga tạm thời để lại ở châu Phi sẽ phải được “lấp đầy”.

Có cùng ý kiến với chuyên gia Khanyile, GS David Shinn của ĐH George Washington cho biết: "Cuộc chiến với Ukraine có thể khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp và chuyển giao vũ khí cho các nước châu Phi vì các lệnh trừng phạt, khó khăn về chuỗi cung ứng và sản xuất vũ khí mà Nga có thể sử dụng để chống lại Ukraine”.

Ông cho rằng: "Điều này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc và một số nhà sản xuất vũ khí giá rẻ khác giành lấy thị phần của Nga ở khu vực này".

Xe tăng Nga được di chuyển về căn cứ thường trực sau khi tập trận xong hồi tháng 2-2020. Ảnh: VCG

Việc cho các nước châu Phi vay để mua vũ khí là một “điểm cộng” cho Trung Quốc khi các nước này cân nhắc mua vũ khí từ Bắc Kinh. Đơn cử, theo một nghiên cứu của chuyên gia Jyhjong Hwang ở ĐH Bang Ohio (Mỹ) hồi năm 2020, Zambia đã vay Trung Quốc 1,5 tỉ USD để mua vũ khí và là nước châu Phi vay tiền Bắc Kinh nhiều nhất để đầu tư vào khoản này. Điều này dẫn đến việc Trung Quốc trang bị nhiều loại máy bay cho Zambia, bao gồm máy bay chiến đấu J-6, máy bay vận tải MA60 và Y-12 và trực thăng chiến đấu, đồng thời cung cấp dịch vụ đào tạo phi công.

Trung Quốc nỗ lực thâm nhập vào thị trường châu Phi

Bắc Kinh đã và đang thâm nhập vào lục địa này bằng cách cung cấp cho các khách hàng lớn khác của Nga như Nigeria và Ethiopia các phương tiện bọc thép và bệ phóng tên lửa.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc có thị phần tương đối nhỏ trong thị trường mua bán vũ khí ở châu Phi. Theo số liệu của viên nghiên cứu này, từ năm 2000 đến 2018, Trung Quốc chỉ chiếm 7,5% tổng thị trường mua bán vũ khí ở khu vực này. Tuy nhiên, có một vài nước châu Phi ưu tiên chọn Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí như Mozambique, Zimbabwe, Tanzania và Zambia.

Từ năm 2017 đến năm 2021, Nga chiếm 44% tổng nhập khẩu vũ khí chính của châu Phi, tiếp theo là Mỹ (17%), Trung Quốc (10%) và Pháp (6,1%). Tuy nhiên, dữ liệu của SIPRI không cho thấy vũ khí hạng nhẹ và vũ khí cỡ nhỏ - đây là một hạng mục mà Trung Quốc có thể chiếm thị phần lớn hơn.

Hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm trung DF-17 của Trung Quốc trong buổi duyệt binh ngày 1-10-2019. Ảnh: PLA

Theo nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch Luke Patey, Trung Quốc đã có chỗ đứng trong thị trường vũ khí nhập khẩu của châu Phi trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và các công ty Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường sự gắn kết của mình với các nước châu Phi

Ông Patey nói: “Các công ty sản xuất vũ khí của Trung Quốc như Norinco, Poly Group và những công ty khác đã đa dạng hóa các nguồn vũ khí của châu Phi ngoài Nga, Pháp và Mỹ. Các nước châu Phi đang mua mọi thứ từ xe bọc thép đến phương tiện bay không người lái (drone) của Trung Quốc, nhưng đó là vũ khí hạng nhẹ và vũ khí cỡ nhỏ, chẳng hạn như súng trường tự động kiểu 56 của Trung Quốc, gần giống khẩu Kalashnikov của Nga”.

Khả năng vũ khí Trung Quốc “thế chân” Nga

Trưởng dự án Trung Đông - châu Á tại ĐH Mỹ ở thủ đô Washington - ông John Calabrese cho biết trong khoảng 5 năm trở lại đây, cạnh tranh mua bán vũ khí ở châu Phi ngày càng gay gắt với việc các khách hàng lớn như Ai Cập đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung của mình.

Ông Calabrese cho rằng có thể Trung Quốc đang cố gắng chiếm thị phần khi chuỗi cung ứng trang thiết bị quân sự Nga bị đứt gãy ở các thị trường này do các lệnh trừng phạt phương Tây gây ra. Tuy nhiên, ông Calabrese cho biết một vài yếu tố cần xem xét.

Thứ nhất là liệu Trung Quốc có thể sẵn sàng cung cấp thiết bị thay thế như Nga hay không bởi có một số hệ thống vũ khí của Trung Quốc vẫn được Nga sản xuất. Thứ hai là cạnh tranh giữa những nhà cung cấp khác như thế nào, chẳng hạn như Pháp cũng đang tìm cách “điền khuyết” vào thị trường này. Thứ ba là liệu Trung Quốc có các điều khoản thanh toán hay giảm giá có lợi cho các nước châu Phi hay không.

Chuyên gia Khanyile thì lưu ý rằng cạnh tranh sẽ gay gắt giữa các “ông lớn” trong việc bán vĩ khí cho châu Phi.

Ông cho rằng các quốc gia như Đức, Mỹ và Pháp là những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 76% tổng kim ngạch buôn bán vũ khí toàn cầu từ năm 2016 đến năm 2020 và đây rõ ràng là những quốc gia sẽ cạnh tranh để thay thế Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn ở châu Phi.

Tuy nhiên, ông Khanyile cho biết Trung Quốc cũng có khả năng là người hưởng lợi lớn khi các giao dịch vũ khí hiện có của Trung Quốc với các nước châu Phi có thể được các mối quan hệ ngoại giao và thương mại khác mà Bắc Kinh có với các nước này.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nga-gap-kho-chuyen-cung-ung-vu-khi-cho-chau-phi-trung-quoc-dom-ngo-thi-phan-post675078.html