Nga chứng minh phương Tây đạo đức giả qua vụ WikiLeaks

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin mới đây đã chỉ trích sự đạo đức giả của phương Tây đối với người sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin

Trong một bài đăng trên Telegram hôm 11/3, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin lập luận rằng, các quốc gia ủng hộ việc dẫn độ người sáng lập WikiLeaks Julian Assange sang Mỹ sẽ không còn là các quốc gia dựa trên pháp quyền nếu việc chuyển giao cuối cùng diễn ra.

Ông Volodin nói thêm rằng, tình hình xung quanh người tố cáo bị bắt giữ là một ví dụ về sự dối trá, tiêu chuẩn kép và sự bất chấp được thể hiện từ Washington, London và Brussels.

Assange, hiện đang ở năm thứ năm trong nhà tù Belmarsh an ninh cao ở London mặc dù không bị kết án phạm tội gì, phải đối mặt với 175 năm tù ở Mỹ vì xuất bản tài liệu qua WikiLeaks nêu chi tiết các hành động bị cáo buộc là bất hợp pháp của Mỹ ở Afghanistan, Iraq, Vịnh Guantanamo, và những nơi khác.

Các tập tin đã bị cựu quân nhân Mỹ Chelsea Manning tiết lộ.

Nghị sĩ hàng đầu của Nga chỉ ra trong bài đăng của mình rằng, các hồ sơ và tài liệu được công bố chứng minh sự tham gia của Washington vào các cuộc đảo chính và xúi giục chiến tranh.

Các tài liệu bị rò rỉ cũng có mục đích cho thấy, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén một số nguyên thủ quốc gia châu Âu, bao gồm cả cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.

“Assange đã vạch trần tội ác của Washington. Và 'bá chủ thế giới' không dung thứ kiểu này, tiêu diệt tất cả những ai không đồng ý”, ông Volodin lập luận.

Theo nghị sĩ Nga, người tố giác sẽ được chỉ định là “người đấu tranh cho sự thật và tự do” nếu những tiết lộ của ông ta liên quan đến Nga hoặc Trung Quốc hơn là Mỹ.

“Việc một người vẫn ở trong nhà tù an ninh cao mà không chứng minh được tội lỗi không khác gì một vụ bê bối”, nhà lập pháp Nga nói thêm.

Assange lần đầu tiên bị cảnh sát Anh bắt giữ vào năm 2010 theo Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) do Thụy Điển ban hành vì cáo buộc tội phạm tình dục. Ông Assange phủ nhận các cáo buộc, và cho rằng, đó là cái cớ để dẫn độ ông sang Mỹ.

Năm 2012, ông ta tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London và bị bắt lại vào năm 2019 sau khi Ecuador thu hồi quyền tị nạn chính trị của ông.

Người sáng lập WikiLeaks hiện đang chờ quyết định của Tòa án tối cao ở Anh về kháng cáo chống dẫn độ. Ông ấy không thể tham dự hoặc thậm chí theo dõi quá trình tố tụng gần đây từ xa do sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.

Tại Mỹ, Assange đang phải đối mặt với 17 cáo buộc theo Đạo luật gián điệp và có thể phải chịu mức án 175 năm tù.

Đạo luật gián điệp trước đây chưa bao giờ được sử dụng để truy tố người xuất bản - nhưng không ăn cắp - tài liệu mật.

“Việc dẫn độ Assange sẽ là sự vi phạm trắng trợn Công ước châu Âu về Nhân quyền, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận”, ông Volodin cảnh báo.

Theo RT

Hoàng Vân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nga-chung-minh-phuong-tay-dao-duc-gia-qua-vu-wikileaks-post674949.html