Nga cảnh báo cắt hoàn toàn khí đốt nếu EU áp giá trần

Các nước châu Âu ráo riết tìm nguồn cung thay thế khi Nga cảnh báo sẽ cắt hoàn toàn khí đốt nếu EU thực hiện áp giá trần, nhưng việc này không hề dễ dàng.

Khi châu Âu chuẩn bị bước vào mùa đông, mỗi đe dọa giá khí đốt tăng cao và thiếu nguồn cung ngày càng lớn. EU đang tiến hành các giải pháp khác nhau để hạn chế tác động tiêu cực của tình hình hiện tại.

Trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là tác động trực tiếp từ các lệnh trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng nếu xét về dài hạn, đó là kết quả của việc nhiều nước châu Âu, trong đó có cả đầu tàu kinh tế khu vực là Đức, phụ thuộc quá lớn vào nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga.

Ảnh minh họa: Bloomberg

Một giải pháp quan trọng trong kế hoạch của EU là áp giá trần khí đốt. Tuy nhiên, những diễn biến tuần qua từ Nga, Qatar và Trung Quốc có thể làm suy yếu những nỗ lực của EU nhằm ổn định thị trường khí đốt trong mùa đông tới.

Đầu tiên là tại Nga, tập đoàn năng lượng sở hữu nhà nước Gazprom đã cảnh báo sẽ dừng toàn bộ nguồn cung khí đốt tới EU nếu giá trần khí đốt được thực hiện. Theo Giám đốc Điều hành Gazprom Alexei Miller, bất kỳ động thái nào nhằm áp giá trần khí đốt đều sẽ vi phạm hợp đồng giữa các khách hàng EU và Gazprom, dẫn đến việc công ty này sẽ ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt.

Mặc dù việc vận chuyển khí đốt từ Nga tới EU qua các đường ống Dòng chảy phương Bắc và Yamal-Europe đã nhiều lần bị gián đoạn kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra và cả hai đường ống này hiện đã ngừng vận chuyển khí đốt tới châu Âu nhưng khí đốt Nga vẫn được vận chuyển tới một vài châu Âu qua trạm Sudzha ở biên giới với Ukraine và đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 18/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm giá năng lượng dẫn đến lạm phát tăng trong và ngoài khu vực cũng như tăng tỷ lệ lãi suất và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. EC cũng yêu cầu các nước thành viên EU thông qua đề xuất thiết lập một mức giá tối đa tạm thời với các giao dịch tại trung tâm khí đốt Hà Lan Title Transfer Facility (TTF), có vai trò như giá chuẩn để trao đổi khí đốt ở châu Âu.

Các biện pháp khác được thảo luận tại hội nghị cũng bao gồm áp dụng các quy định về năng lượng với việc đề ra giá chuẩn thay thế cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào 31/3/2023 và khởi động chương trình mua khí đốt chung giữa các nước EU nhằm lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông năm sau và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hạ giá khí đốt trong tương lai.

Chủ tịch EC Charles Michel nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận có thể khiến giá năng lượng hạ xuống, đồng thời cho biết: "Theo tôi, chúng ta đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới thị trường rằng chúng ta sẵn sàng hành động cùng nhau và có thể hành động cùng nhau".

Việc Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu trong tương lai gần đồng nghĩa rằng EU sẽ phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế về ngắn và dài hạn. Qatar hiện đứng đầu danh sách nguồn cung thay thế nhưng tuần trước, nước này cho biết sẽ không chuyển hướng dòng chảy khí đốt theo hợp đồng với các khách hàng châu Á sang châu Âu trong mùa đông này, bất kể tình hình ra sao. Ông Saad al-Kaabi, Giám đốc Điều hành tập đoàn sở hữu nhà nước QatarEnergy, đồng thời là Bộ trưởng Năng lượng cho biết: “Qatar sẽ tuân thủ hoàn toàn hợp đồng... Khi chúng tôi ký kết với các khách hàng châu Âu hay châu Á, chúng tôi sẽ tuân thủ theo hợp đồng đó".

Tuyên bố này là một cú đánh vào những hy vọng của EU nói chung và Đức nói riêng giữa bối cảnh Đức và Pháp đều đang ráo riết tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Cuối cùng, giữa bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị, kinh tế và năng lượng giữa phương Tây và phương Đông là trò chơi có tổng bằng 0, Trung Quốc sẽ không hợp tác để châu Âu có thể thực hiện kế hoạch của mình. Theo các bài báo hồi tuần trước, Trung Quốc yêu cầu các nhà nhập khẩu khí đốt sở hữu nhà nước của nước này ngừng bán lại LNG cho các khách hàng châu Âu để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mùa đông./.

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nga-canh-bao-cat-hoan-toan-khi-dot-neu-eu-ap-gia-tran-post979570.vov