Nếu tiếp tục chính sách tăng thu sẽ làm xói mòn tích luỹ của DN

VCCI cho rằng việc áp dụng quy định hạn chế tỷ lệ vốn vay khi tính thu nhập chịu thuế một cách đại trà là chưa phù hợp.

Theo VCCI, tài liệu về sửa 5 luật thuế do cơ quan soạn cung cấp mới chỉ là một dự thảo sơ bộ và tờ trình, trong đó nêu được mục tiêu chính sách, các vướng mắc phát sinh trong thực tế, một số kinh nghiệm quốc tế và dự kiến hướng sửa đổi nhưng chưa thấy có đánh giá tác động. VCCI cho rằng những đề xuất tăng thuế như dự thảo sẽ có những hệ lụy không tốt về cả kinh tế và xã hội.

Ảnh minh họa

VCCI dẫn báo cáo Doing Business 2017 cho biết chi phí chung của các DN Việt Nam luôn cao, kém cạnh tranh hơn so với các nước khác và đang tăng cao, tổng chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của DN Việt Nam phải nộp tới mức 39,4% lợi nhuận, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Chi phí vốn vay, chi phí vận tải, chi phí logistics, chi phí tuân thủ hành chính cao, thủ tục còn phiền hà, phức tạp… Chưa kể đến những chi phí không chính thức khác có thể chiếm phần lớn trong lợi nhuận của DN. Đã vậy, năm 2017, 2018 là những năm điều chỉnh cách tính mức lương đóng bảo hiểm xã hội khiến tổng số tiền bảo hiểm mà cả DN và người lao động phải chịu tăng gấp rưỡi.

Theo VCCI, về mặt tổng thể với phần lớn DN là DN nhỏ và siêu nhỏ nếu tiếp tục chính sách tăng thu sẽ làm xói mòn khả năng tích luỹ tư bản để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, ứng dụng khoa học kỹ thuật của DN… Tác động tiếp theo sẽ là làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giảm năng lực giải quyết việc làm của nền kinh tế, không tạo đủ áp lực để cải cách bộ máy Nhà nước và các DN Nhà nước, theo VCCI.

VCCI đơn cử như việc tăng thuế suất thuế GTGT vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra. VCCI cho rằng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm trở lại đây thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các DN Việt Nam. “Đây là một sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Tờ trình mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế này”, VCCI lưu ý.

“Báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự luật này chưa trả lời được câu hỏi dự Luật này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế? Nhà nước được lợi và bị hại như thế nào nếu thông qua luật thuế này”, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho hay.

VCCI đề nghị sớm bổ sung báo cáo đánh giá tác động xem việc sửa từng luật thuế sẽ tác động như thế nào đến ngân sách, làm tăng, giảm nguồn thu như thế nào? Tác động cụ thể như thế nào đến người có thu nhập thấp? Liệu có giúp đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra? Có những tác động tiêu cực nào khác không? Ví dụ, quy định hạn chế vốn mỏng có tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, tăng trưởng tín dụng không? Dự kiến đánh thuế VAT vào chuyển quyền sử dụng đất có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản hay không?... Chính sách thuế mới liệu có minh bạch, khả thi không? Có nguy cơ gặp khó khăn khi thực hiện hoặc tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực không?

Cân nhắc về vốn mỏng

Về chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN (vốn mỏng), dự thảo đưa ra quy định hạn chế tỷ lệ vốn vay trong xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thuế TNDN đang áp dụng đại trà cho tất cả các DN (có tỷ lệ khác nhau theo ngành nghề). Quy định này được đưa ra nhằm 2 mục đích: Chống thất thoát thuế và lành mạnh hoá tài chính DN.

Đối với mục tiêu đầu tiên, VCCI cho rằng việc kiểm soát chống chuyển giá chỉ nên áp dụng cho các DN có quan hệ liên kết và có chênh lệch thuế suất (hoặc bên cho vay ở nước ngoài). Còn đối với các DN khác thì chi phí của bên này là doanh thu của bên kia, nên khoản thu của Nhà nước vẫn sẽ được bảo đảm. Việc áp dụng quy định hạn chế tỷ lệ vốn vay khi tính thu nhập chịu thuế một cách đại trà là chưa phù hợp.

Đối với mục tiêu thứ hai, theo VCCI, Nhà nước không cần thiết phải can thiệp bằng công cụ thuế như vậy. Khi một DN hoặc ngân hàng cho một DN khác vay luôn phải cân nhắc đánh giá về năng lực trả nợ của bên đi vay, luôn đòi hỏi bên vay phải có vốn chủ sở hữu đối ứng với một tỷ lệ xác định, tuỳ thuộc vào đánh giá của bên cho vay. Ngân hàng cũng đã có nhiều biện pháp để kiểm soát rủi ro tín dụng như hệ thống thông tin tín dụng, quy định về hạn mức tín dụng, tài sản bảo đảm… và rất nhiều biện pháp khác.

Trong trường hợp áp dụng quy định này thì một số vấn đề cụ thể cũng được nhiều DN quan tâm. VCCI nêu vấn đề: Nếu DN vay từ nhiều nguồn khác nhau, với lãi suất, thời gian khác nhau, các điều kiện vay cũng rất khác nhau thì khi đó sẽ tính toán phần chi phí được trừ và không được trừ như thế nào? Nếu DN đã bị lỗ, âm vốn chủ sở hữu thì xử lý thế nào? “Nhà nước quá lo lắng cho khả năng trả nợ của DN là điều không thực sự cần thiết, thị trường có thể tự giải quyết vấn đề này”, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI.

Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giới hạn đối tượng áp dụng quy định hạn chế vốn mỏng chỉ đối với những giao dịch vay nợ giữa các DN có quan hệ liên kết, không áp dụng đại trà như dự thảo. Nếu áp dụng đề án cần có một lộ trình áp dụng phù hợp.

Linh Đan

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/neu-tiep-tuc-chinh-sach-tang-thu-se-lam-xoi-mon-tich-luy-cua-dn-68533.html