Nếu ngày mai em không qua khỏi...

- Nhiều em vừa ngồi học vừa nhăn nhó, đau đớn vì căn bệnh nghiệt ngã: ung thư Có em viết chữ trong tư thế ngồi xổm bởi có khối u ở mông…

Sau buổi học, nhiều em ở đây lại trở về với cuộc sống bệnh tật đau đớn, với những đợt hóa trị, những bữa ăn không đủ dinh dưỡng và phải nằm chen chúc cùng các bệnh nhi khác trong phòng bệnh... Vừa học vừa truyền thuốc Phòng sinh hoạt chung của Khoa Nhi - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM nằm ở cuối dãy phòng của các bệnh nhi. Đến đây vào đầu giờ sáng thứ 4, sáng thứ 7 và chiều thứ 6 hàng tuần, sẽ thấy từng đoàn các em nhỏ, em được bố mẹ bế, cõng, có em tự đi bộ… mang theo cặp sách, sách vở… từ các phòng bệnh đổ về đây. Có nhiều em đầu trọc lóc, có em chỉ còn da bọc xương, em sưng má, em lồi mắt… Những em 2-3 tuổi đến đây học vẽ, học hát. Các em lớn hơn tập viết, học làm toán. Những em nhỏ mới 1- 1,5 tuổi chỉ đến để… xem các anh chị lớn học bài… Nhiều em vừa ngồi học vừa nhăn nhó vì đau đớn. Có em viết chữ trong tư thế ngồi xổm bởi có khối u ở mông. Có em bàn tay yếu bởi những mũi tiêm, phải có người lớn cầm tay đưa từng nét… Một số em vừa học vừa truyền thuốc… Đã 2 năm nay, gian phòng sinh hoạt chung này trở thành lớp học cho các em bệnh nhi ung thư từ 2-12 tuổi, từ khắp các tỉnh dồn về như Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Phước… Phụ trách lớp học, chị Tố Oanh, cho hay, lớp học được hình thành từ mong muốn của những người điều hành chương trình “Ước mơ của Thúy” và phụ huynh của các bệnh nhi là nếu các em không qua khỏi bệnh tật thì ít nhất cũng biết đọc, biết viết tên của mình. “Đáng lẽ con học lớp 7, nhưng giờ mới lớp 3” Học sinh nhỏ tuổi nhất, em Nguyễn Tuấn Vũ, 2 tuổi (Kiên Giang) cũng là học sinh chăm chỉ đến lớp nhất. Phát hiện mắc bệnh ung thư máu cách đây 2 tháng, một khối u lớn đã phủ lên toàn bộ con mắt bên phải của em. Một khối u nhỏ nữa bên mắt trái cũng đang lớn lên từng ngày… Cô Loan, mẹ Tuấn Vũ kể, em rất thích vẽ. Hôm nào em cũng đòi mẹ đưa đến lớp vẽ tranh để đưa cho cô giáo chấm điểm. Cũng bị ung thư máu, bé Trần Trung Đức (Long An) đã lên 3 nhưng trông nhỏ nhắn như bé 1 tuổi. Bị phát hiện bệnh khi mới sinh ra, ngay sau đó, bé được chỉ định bỏ đi một mắt. Cách đây 5 tháng, để tránh nguy hiểm tính mạng, con mắt còn lại cũng bị bỏ đi. Không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng hôm nào thấy các anh chị khác trong phòng chuẩn bị đi học, Trung Đức cũng đòi mẹ đến lớp nghe các anh chị đọc bài. Chị Mai, mẹ Trung Đức năm nay 25 tuổi. Sau khi sinh bé Trung Đức, chồng chị chán nản cảnh con trai bệnh tật đã bỏ đi biệt xứ. Đã 3 năm nay, mẹ con chị cậy nhờ bên ngoại. “Có thể, ngày mai, ngày kia, tôi phải đưa cháu về nhà. Cơ thể cháu yếu quá, không chịu được thuốc nữa. Tài sản cũng không còn chi…”, chị Mai ngậm ngùi. Lớn tuổi nhất lớp học, em Hoàng Thị Tuyết Mai, 12 tuổi (Bình Phước) bị ung thư xương hàm 4 năm nay. Gia đình em ở tỉnh Phú Thọ. Tuyết Mai bị bệnh năm lớp 3, đã chữa trị 1 năm ở Hà Nội. Cách đây 2 năm, bố mẹ em vào Bình Phước làm thuê nên đã đưa em vào TP.HCM chữa trị. Hiện một khối u lớn đã choán một nửa khuôn mặt của em. Ăn uống, thở, nói năng khó nhọc, lại phải đối mặt với những cơn sốt triền miên, vậy nhưng buổi học nào, Tuyết Mai cũng học một cách say sưa. “Đáng lẽ con học lớp 7, nhưng giờ mới lớp 3”, em hồn nhiên trả lời câu hỏi của tôi. Sau buổi học, Tuyết Mai cũng như nhiều em ở đây lại trở về với cuộc sống bệnh tật đau đớn, với những đợt hóa trị, những bữa ăn đạm bạc và phải nằm chen chúc cùng các bệnh nhi khác trong phòng bệnh... “Bất an khi có học sinh vắng học” Mỗi tuần, lớp học 2 buổi và 1 buổi sinh hoạt chung. Các em được dạy ba môn: Toán, Tiếng Việt, Vẽ. Lớp học được khai giảng vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 7 năm sau. Phụ trách lớp gồm có 10 thầy, cô giáo là sinh viên tình nguyện của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra còn có 6 thầy cô là giáo viên các trường tiểu học khác. Năm nay, lớp học có 30 em từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó chủ yếu là các em lớp 1. Tuy vậy, con số học sinh đến lớp thường xuyên dao động vào mỗi buổi học. “Hầu hết các em đến đây đều rất ham học. Vậy nên, nếu em nào vắng học, chúng tôi lại thấy bất an bởi nhiều khả năng, hôm đó, em đã đau rất nặng”, cô Nguyễn Thị Sâm tâm sự. Gắn bó với các em đã 2 năm nay, Minh Vy (SV Trường CĐ Nguyễn Tất Thành) kể, đã nhiều lần em chứng kiến cảnh có bé mất hoặc phải đưa về quê vì không còn khả năng chữa trị. “Những lúc như thế, tôi lại thấy thật buồn đau, như mất đi một người thân”, Minh Vy nói. Không giống nhau về tính cách nhưng tất cả học sinh ở lớp này giống nhau ở sự nghèo khổ, bệnh tật và ham học. Ước mơ của các em là được về nhà, được hết bệnh để đi học… Phan Tú

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201009/Kiem-chu-giua-nhung-con-dau-bao-benh-1769837/