Nếu Mỹ rút, Trung Quốc có thể vào TPP

Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố sáu chương trình mục tiêu ưu tiên.

Ngày 21-11 (giờ địa phương), trong đoạn băng ghi hình dài ba phút, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tiết lộ sáu chương trình ưu tiên phải làm trong 100 ngày đầu tiên sau khi ông nhậm chức ngày 20-1-2017.

Ông giải thích sáu chương trình dựa trên nguyên tắc cơ bản “nước Mỹ trên hết”, bao gồm:

• Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký năm 2015: Thay vào đó, ông Trump muốn đàm phán các hiệp định song phương mang đến việc làm và thúc đẩy công nghiệp tại Mỹ.

Hủy bỏ các hạn chế về năng lượng: Hủy bỏ các đạo luật hạn chế sản xuất khí đốt, dầu đá phiến và than để tạo thêm nhiều triệu việc làm.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Thực hiện nguyên tắc “cứ một quy định mới có hiệu lực thì phải bãi bỏ hai quy định cũ”.

An ninh quốc gia: Đề nghị Bộ Quốc phòng trình một kế hoạch toàn diện nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng sống còn của Mỹ trước các nguy cơ tấn công.

Nhập cư: Điều tra về các hành vi lạm dụng các chương trình visa để loại trừ người lao động Mỹ.

Cải tổ bộ máy chính trị: Cấm người rời khỏi chức vụ trong bộ máy chính quyền tham gia tổ chức vận động hành lang trong năm năm. Thời hạn cấm kéo dài suốt đời nếu đó là tổ chức vận động hành lang làm việc cho chính phủ nước ngoài.

Một bộ phận dân Mỹ phản đối TPP vì cho rằng TPP cướp việc làm của lao động Mỹ. Ảnh: AP

Ngay sau đó, hãng tin BBC đã đăng bài viết với đầu đề “Mỹ rời TPP: Tin quan trọng trong ngày đối với Trung Quốc”.

BBC đánh giá TPP không chỉ là hiệp định đối tác thương mại của 12 nước mà còn là một thành tố chủ yếu trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.

Chính vì thế, BBC đánh giá chính phủ Trung Quốc sẽ rất vui mừng khi nghe ông Trump cam kết Mỹ sẽ rời TPP.

Báo The Australian (Úc) bình luận: Nếu Mỹ thực sự rút khỏi TPP, có thể Trung Quốc sẽ gia nhập một trong những hiệp định thương mại khu vực lớn nhất thế giới.

Báo tiết lộ bên lề hội nghị cấp cao APEC hồi cuối tuần trước ở Lima (Peru), cuộc họp của các nước thành viên TPP đã có bàn đến khả năng đưa Trung Quốc gia nhập TPP.

Ngay trước khi ông Trump công bố sáu quyết định nêu trên, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố: “TPP không có ý nghĩa gì nếu không có Mỹ”. Ông cũng khẳng định không thể đàm phán lại TPP.

Ngày 22-11, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull khẳng định trừ Mỹ, 11 nền kinh tế còn lại đã ký kết TPP đều ủng hộ mạnh mẽ phê chuẩn TPP và đưa TPP vào thực hiện.

Ông nhấn mạnh: “Vậy ông Trump và Quốc hội mới của Mỹ cần phải lưu ý khi đưa ra quyết định riêng vì lợi ích của Mỹ. Về quan điểm của Úc, cần phải mở rộng cửa tốt hơn cho xuất khẩu Úc”.

Tại Malaysia, Thủ tướng Najib Razak tuyên bố: “Tôi là người kiên quyết ủng hộ phát triển thương mại và khu vực mở rộng ở châu Á-Thái Bình Dương. Điều chủ yếu là mang lại lợi ích cho nhân dân chúng tôi…”.

Ngày 22-11, Ủy ban Quốc phòng chung và Ủy ban Cam kết an ninh giữa Mỹ và Philippines đã tham gia cuộc họp tại TP Quezon. Sau đó, hai bên đã ra tuyên bố chung khẳng định tầm quan trọng của liên minh quân sự Mỹ-Philippines. Hai quân đội sẽ tiếp tục duy trì quan hệ vững chắc và hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo và thảm họa, đấu tranh chống khủng bố, an ninh mạng. Cuộc họp có thảo luận về Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng nhưng không có vấn đề gì được đặt ra.

__________________________________

Một thảm họa tiềm tàng cho nước Mỹ.

Ông DONALD TRUMP nói đến TPP ngày 21-11

__________________________________

Mỹ không phải là ốc đảo. Mỹ không thể đơn giản là ngồi đó và nói không làm ăn với phần còn lại của thế giới. Đến thời điểm thích hợp, Mỹ phải tính đến điều đó.

Thủ tướng New Zealand JOHN KEY

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/neu-my-rut-trung-quoc-co-the-vao-tpp-666954.html