Nếu không tăng cường phòng ngừa thì cai nghiện một ca trẻ nghiện Internet là rất khó khăn

Ngày 27/9, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề 'Hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet' với sự tham gia của các đại diện đến từ Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH); Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tổ chức World Vision, ChildFund Việt Nam, VNPT-IT, TikTok Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực bảo vệ và sáng tạo nội dung phục vụ trẻ em trên môi trường mạng.

5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng

Với hơn 70% dân số dùng Internet, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao. Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số. Trẻ em Việt Nam tiếp cận với Internet, các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet để học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hằng ngày.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA cho biết, điện thoại, máy tính, máy tính bảng hay smartTV đang được trẻ em Việt Nam sử dụng với tần suất ngày càng nhiều hơn.

Còn khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 – 15 là 93%.

Trong khi đó, theo Bộ LĐTBXH, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5-7 giờ mỗi ngày.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trẻ em sẽ là thế hệ công dân số mới, mang lại sự thịnh vượng cho không gian mạng, sự thịnh vượng cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình là một trong những thách thức dẫn đến rủi ro trên môi trường mạng của trẻ ngày càng gia tăng.

Cũng theo ông Trần Đăng Khoa thì 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng, đó là: Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật...

"Chúng ta có thể nhìn thấy khoảng trống rất lớn từ những số liệu trên" – ông Đỗ Dương Hiển, Phụ trách dự án Trẻ em, Tổ chức ChildFfun nói tại tọa đàm.

Ông Đỗ Dương Hiển nêu, thực tế, chúng ta có thể nhận ra độ tuổi sử dụng internet và sử dụng mạng xã hội của trẻ em Việt Nam càng ngày càng nhỏ hơn.

"Rất nhiều cha mẹ sử dụng mạng xã hội, clip của YouTube giống như một phần thưởng dành cho con mà chúng ta có thể tạm gọi là bảo mẫu số. Cần thời gian cho mình để lướt web thì đưa cho con máy. Trong sự phát triển công nghệ như hiện nay thì các thiết bị mà chúng ta có thể tiếp cận Internet ngày càng nhiều hơn như ti vi thông minh và các thiết bị khác chứ không chỉ điện thoại thông minh. Khi những thông tin liên quan tới việc độ tuổi trẻ em sử dụng Internet Việt Nam ngày càng thấp đi cũng là khoảng trống mà chúng tôi cần bổ sung trong thời gian tới"- ông Đỗ Dương Hiển phân tích và nhấn mạnh thêm, tỷ lệ sử dụng Internet ở trẻ em Việt Nam hoàn toàn tương đồng với thế giới, thậm chí cao hơn so với thực tế trên thế giới.

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, chúng ta thường nói rằng, các trẻ em miền núi gặp khó khăn trong việc tiếp cận Internet nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Việc sử dụng Internet của các trẻ em vùng sâu, vùng xa hay dân tộc thiểu số hoàn toàn không có khác biệt so với thành phố hay vùng trung tâm. VNPT đã phủ sóng tới 97% 3G, 4G còn mạng cáp thì khoảng 100% các xã. Trẻ em có thể tiếp cận với Interet không phải quá đắt để sử dụng hàng ngày.

Tăng cường phòng ngừa, giám sát

Vấn đề bảo vệ trẻ em Việt Nam trên mạng đang đặt ra nhiều thách thức. Trong 6 nhóm rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng có vấn đề nghiện Internet.

Cho đến nay, chưa có một tài liệu chính thức nào ở Việt Nam công bố về việc thế nào là các nhóm hành vi xâm hại trẻ em hay cụ thể hóa các rủi ro trên môi trường mạng.

"Đối với Tổng đài 111 khi được lãnh đạo Bộ LĐTBXH và Cục trẻ em giao nhiệm vụ liên quan tới bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em trên mạng thì bình quân mỗi năm chúng tôi tiếp nhận hơn 400 – 500 cuộc gọi về vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Có những ca do cha mẹ và trẻ em gọi đến tổng đài tư vấn và một số ca thì trực tiếp nhân viên tổng đài gọi tới để can thiệp"- Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em thông tin.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ tại tọa đàm

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ tại tọa đàm

Vấn đề nghiện Internet hay lừa đảo, trẻ em tiếp xúc với các nội dung không phù hợp trên internet thì hiện nay quy trình hỗ trợ, can thiệp cho các em được thực hiện theo quy định tại Nghị định 56 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

"Chúng ta đã có các kênh tiếp cận hỗ trợ can thiệp cho các em. Thông qua phân tích các ca cụ thể thì nếu trẻ bị nghiện Internet thì việc hỗ trợ cho các em đang rất khó khăn do liên quan tới nhân lực, thời gian và việc các em có thể giảm sự phụ thuộc vào việc dùng Internet hay không. Đó là câu chuyện nếu không tăng cường phòng ngừa thì để cai nghiện một ca trẻ nghiện Internet là rất khó khăn" – Bà Nguyễn Thị Nga thông tin.

Được biết, hiện nay, Cục Trẻ em đã giao nhiệm vụ tới các tổng đài viên: trong quá trình lập các hồ sơ, báo cáo phân tích các cuộc gọi đến đối với các cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thì có các phân tích, đánh giá tổng thể hơn.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam thì cho hay, TikTok có các chính sách hết sức rõ ràng và triển khai các công cụ về công nghệ để bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng đặc biệt là trẻ em.

"Ở trên nền tảng đã có các tuyên bố rất rõ ràng và thực hiện nghiêm ngặt về tài khoản của trẻ dưới 13 tuổi sẽ không được sử dụng trừ khi có sự giám sát của người lớn cùng với sự phân chia nội dung cho các tài khoản từ 13 – 16 tuổi, 16 – 18 tuổi và tài khoản của người trưởng thành. Câu chuyện ở đây là bản thân trách nhiệm của người lớn với trẻ em không chỉ trên nền tảng TikTok mà cũng như trong cuộc sống đó là trách nhiệm giám hộ".

Hiện TikTok có 2 chức năng là quản lý về thời gian để hệ thống cảnh báo hoặc cấm người dùng tham gia nhưng quan trọng hơn đó là chức năng đặt tài khoản của con dưới một tài khoản giám hộ tức là sử dụng tài khoản gia đình. Trên có sở đó, tài khoản bố mẹ sẽ quản lý thời gian và nội dung của con thay vì cấm hoàn toàn con sử dụng.

Đại diện của VNPT cũng cho hay, bảo vệ trẻ em là một trách nhiệm xã hội của VNPT. Hiện đơn vị này đang cùng SafeGate phát triển giải pháp để có thể giúp bố mẹ và các gia đình kiểm soát hành vi của trẻ nhỏ trên không gian mạng. Điều chỉnh nghiện game, mạng xã hội thông qua áp chế việc sử dụng, hoặc các nội dung thông tin để chế độ tự động lọc. Giải pháp Family Safe sẽ được cung cấp tới 24 triệu hộ gia đình, để bố mẹ có trợ lý, công cụ để kiểm soát các hành vi với các trẻ nhỏ.

Hiện nay chưa có khái niệm chuẩn về nghiện Internet và nội dung số. Tuy nhiên, từ năm 2006, một nhà nghiên cứu của Mỹ đã đưa ra một số chỉ báo chung về tình trạng này, cụ thể như: Luôn quan tâm, nghĩ tới việc mình sẽ vào mạng làm gì, hôm qua xem gì và lát nữa xem gì; nhu cầu sử dụng Internet càng ngày càng tăng; có các phản ứng khi không được sử dụng Internet; thể hiện tâm trạng bồn chồn khi không có mạng Internet; và có dấu hiệu trầm cảm, ủ rũ khi không được sử dụng Internet.

*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

T.Linh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/neu-khong-tang-cuong-phong-ngua-thi-cai-nghien-mot-ca-tre-nghien-internet-la-rat-kho-khan-20230928105853459.htm