Nếu được tăng lương, thu nhập tốt và có tích lũy, không lao động nào muốn rút bảo hiểm một lần

Theo các chuyên gia, cần nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, song về lâu dài, giải pháp căn cơ là cần tăng lương, thu nhập để người lao động có tích lũy. Bởi, nếu có tích lũy thì không ai rút bảo hiểm một lần...

Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến hôm 23/11. Song những tranh luận xung quanh hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa hết "nóng".

KHÔNG LÀM SUY GIẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Dưới góc độ tổ chức công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cả hai phương án đều có những ưu, nhược điểm riêng, một phương án cởi mở hơn và một phương án hạn chế. Tuy nhiên, quan điểm của Tổng Liên đoàn mong muốn khi sửa Luật là “dứt khoát không làm suy giảm quyền lợi của người lao động”.

“Trên thực tế, có những trường hợp sửa luật, nhưng quyền lợi của người lao động có thể bị suy giảm, ví dụ như nâng tuổi nghỉ hưu, quyền lợi bảo hiểm của người lao động bị ảnh hưởng", ông Hiểu dẫn chứng.

Tuy nhiên, công đoàn cũng không mong muốn người lao động phải rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều. Bởi theo thống kê trong thời gian qua, cứ 2 người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội thì có một người rời đi là con số rất đáng lo ngại về an sinh xã hội trong tương lai.

Theo ông Hiểu, khi ban hành một quy định, việc lựa chọn phương án nào đều phải kèm theo cơ chế, điều kiện của Nhà nước hỗ trợ lao động để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, ví dụ như hệ thống tín dụng mở rộng, ưu tiên cho đối tượng công nhân.

“Hiện nay chúng ta chưa có hệ thống tín dụng dành riêng cho công nhân. Nếu chỉ có tín dụng dành cho hộ nghèo, thì công nhân rất khó tiếp cận. Chúng tôi cho rằng, vẫn phải cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, bởi rút là quyền con người của họ. Khi họ tham gia bằng tiền của mình, phải được quyền rút khi muốn”, ông Hiểu nói và cho hay, mong muốn của công đoàn là hạn chế rút, song cần kèm theo các chính sách hỗ trợ tài chính.

Việc này nhằm đảm bảo giải quyết các tình huống khi người công nhân gặp khó khăn để họ không bị trở thành nạn nhân của tín dụng đen.

Chia sẻ thêm về hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhìn nhận, một phương án hướng đến bảo lưu quyền lợi rút bảo hiểm một lần của người lao động, phương án còn lại nhằm giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh xã hội để đảm bảo quyền lợi lâu dài, chứ không phải mục đích giữ tiền của người lao động.

“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng điều quan trọng nhất là dù chọn phương án nào cũng đảm bảo thu hút người lao động tự nguyện và mong muốn không rút bảo hiểm xã hội để ở lại hệ thống, và điều này cần có hệ thống giải pháp đồng bộ. Đối với các trường hợp khó khăn, cấp bách thì cần có hỗ trợ những khoản tiền trước mắt. Còn về lâu dài, giải pháp quan trọng nhất là tăng lương, thu nhập để người lao động có tích lũy, nếu có tích lũy thì không ai rút bảo hiểm xã hội một lần”, ông Tiến nhấn mạnh.

GIA TĂNG THÊM NHIỀU LỢI ÍCH KHI BẢO LƯU THỜI GIAN ĐÓNG

Nêu ý kiến về vấn đề này tại cuộc tọa đàm Quyền lợi bảo hiểm xã hội mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho hay, qua giám sát và thực hiện các cuộc hội thảo lấy ý kiến của người lao động, đặc biệt người trực tiếp rút bảo hiểm xã hội một lần cho thấy đây là tình hình đáng báo động.

“Số lao động tham gia mới và số người rút bảo hiểm xã hội một lần gần tương đương nhau. Những năm gần đây, đặc biệt thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, số này gia tăng hơn”, ông Phong thông tin.

Khó khăn về việc làm, thu nhập cũng là một trong những yếu tố khiến lao động rút bảo hiểm một lần. Ảnh minh họa - N.Dương.

Tình trạng này theo ông Phong có nhiều nguyên nhân như: Lợi ích hưởng chế độ hưu trí và bất lợi của hưởng bảo hiểm xã hội một lần chưa được người lao động nhận thức đầy đủ, công tác truyền thông để người lao động hiểu rõ chưa đạt như mong muốn; sự tin tưởng vào hệ thống bảo hiểm xã hội chưa vững chắc.

Bên cạnh đó, điều kiện hưởng, thủ tục hưởng khá đơn giản. “Thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, người lao động cho là quá dài nên có những người chờ đợi 19 năm 10 tháng, hay có những người đóng đến 15 năm cũng không chờ cho đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Bởi tâm lý của họ muốn rút bảo hiểm trước để xử lý việc gia đình”, ông Phong dẫn chứng.

Ngoài ra, theo phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, mỗi khi gia đình có việc, khó khăn, cần vốn thì người lao động lại nghĩ ngay tới bảo hiểm xã hội một lần. Mặt khác tư tưởng lợi dụng chính sách vẫn còn. Thực tế, nhiều người xem phần đóng của người sử dụng lao động như khoản phúc lợi, khi có cơ hội sẽ nhận ngay.

“Dự báo có khả năng xảy ra một đợt rút bảo hiểm xã hội nữa nếu Luật chọn phương án không như mong muốn” ông Phong lo ngại.

Về phía Ban soạn thảo, ông Phạm Trường Giang, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, theo nguyên lý, bảo hiểm thường tham gia khi chưa cần dùng đến, song khi phát sinh rủi ro trong quá trình lao động, đời sống, người lao động muốn bỏ nhiều tiền tham gia lại không được.

Theo ông Giang, đặc thù của bảo hiểm là như vậy nên việc thông tin truyền thông tuyên truyền về vấn đề này rất quan trọng.

“Thực tế, khi tham gia, nhiều người chưa thấy lợi ích gì từ bảo hiểm, đặc biệt chế độ hưu trí phải tham gia tối thiểu 20 năm thì mới có cơ hội được hưởng lương hưu", ông Giang dẫn chứng.

Về giải pháp hạn chế người rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Giang cho rằng, trước hết cần tăng cường thông tin truyền thông nâng cao nhận thức của người lao động. Cùng với đó, quy định điều chỉnh thời gian tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm là hết sức quan trọng. Thực tế, có đến 70% người nhận bảo hiểm xã hội một lần từ 20 - 40 tuổi. Như vậy, trong 5 - 10 năm sau đó, họ có thể quay trở lại tham gia tiếp.

Vì vậy, việc điều chỉnh giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội tạo cơ hội cho nhiều người lao động tham gia muộn được nhận lương hưu trong thời gian tới.

“Cơ quan soạn thảo xác định ngay quan điểm là hạn chế người nhận bảo hiểm xã hội một lần bằng cách gia tăng quyền lợi nếu người lao động bảo lưu thay vì nhận bảo hiểm một lần. Đó là nguyên tắc khi xây dựng chính sách”, ông Giang khẳng định.

Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội cũng thông tin thêm, với những người bảo lưu thời gian đóng thay vì nhận bảo hiểm một lần sẽ nhận được 4 lợi ích gia tăng như: Có cơ hội hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trước 75 tuổi; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả; được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi để khắc phục khó khăn trước mắt; có cơ hội được hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động khi đóng đủ 15 năm, thay vì đủ 20 năm như hiện hành.

Hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần

Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.

Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến từ 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/neu-duoc-tang-luong-thu-nhap-tot-va-co-tich-luy-khong-lao-dong-nao-muon-rut-bao-hiem-mot-lan.htm